Tin thời tiết

Bão số 2 (Prapiroon) diễn biến có chiều hướng phức tạp, liệu có hợp nhất với bão Gaemi mạnh hơn?

Cơn bão số 2 ở Biển Đông có đường đi thay đổi liên tục do nó dường như chịu ảnh hưởng của một cơn bão khác mạnh hơn, là bão Gaemi, đang ở phía Đông Bắc của Philippines vào Chủ Nhật. Liệu 2 cơn bão này có tương tác không, nếu có thì theo cách nào?

 

Bão số 2 hình thành ở Biển Đông vào Chủ Nhật, 21/7, đã được đặt tên quốc tế là Prapiroon, theo tên một vị thần mưa của Thái Lan. Chiều 21/7, vị trí tâm bão số 2 ở trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Sức gió của bão số 2 là khoảng 65 km/h, được dự báo tiếp tục mạnh lên từ từ trong khi di chuyển theo hướng Tây Bắc về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc), theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ.

Mặc dù cơn bão số 2 được nhận định không phải là bão mạnh, nhưng diễn biến của nó khá phức tạp, dự báo về đường đi và cường độ của nó liên tục thay đổi, được cho là do nó phần nào bị ảnh hưởng bởi một cơn bão mạnh hơn, là bão Gaemi.

 

Cơn bão Gaemi (ở Philippines gọi là bão Carina, Nhật Bản gọi là bão số 3) có vị trí ở phía Đông Bắc Philippines vào ngày Chủ Nhật, di chuyển khá chậm, tốc độ khoảng 4 km/h, có sức gió 95 km/h, được dự báo sẽ tăng cường độ đến tối đa trong vòng 3 ngày tới với sức gió lên tới 185 km/h. Sau đó, bão Gaemi mới giảm cường độ rồi đổ bộ vào bờ biển phía Đông của Trung Quốc.

Một số trang khí tượng cho rằng bão Gaemi - mạnh hơn - đã “đẩy” bão Prapiroon (bão số 2), dẫn đến việc bão số 2 bất chợt ngả sang hướng Tây nhiều hơn và có khả năng đổ bộ miền Bắc nước ta.

 

Tuy nhiên, do bão Gaemi vào tối Chủ Nhật lại đang đi rất chậm, gần như đứng yên, nên bão số 2 không bị “đẩy” nữa mà lại chếch lên hướng Bắc nhiều hơn. Trong trường hợp này, bão số 2 sẽ đổ bộ khu vực biên giới giữa nước ta với Trung Quốc vào ngày thứ Ba, 23/7, khi đó nó có thể là một áp thấp nhiệt đới hoặc tàn dư của bão.

Nhà khí tượng Chang Chun-yao ở Cơ quan Thời tiết Trung ương tại Đài Loan (Trung Quốc) nói với trang CNA rằng bão Prapiroon và bão Gaemi ít có khả năng tương tác đến mức tạo ra hiệu ứng Fujiwhara (2 cơn bão ở gần nhau di chuyển xung quanh nhau, có thể kết hợp thành một), do Prapiroon và Gaemi cách nhau khoảng 1.500 km.

 

Mà thường thì 2 cơn bão cách nhau dưới 1.400 km mới dễ tạo ra hiệu ứng Fujiwhara, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.

Dù sao, bão số 2 và bão Gaemi vẫn đang ở khá gần nhau, rất khó dự báo chính xác về sự tương tác giữa chúng nên bão số 2 thực sự có diễn biến phức tạp. Đa số các mô hình dự báo hiện cho rằng dù sao, các tỉnh ven biển miền Bắc nước ta như Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ phải chịu ảnh hưởng, có thể có mưa to gió lớn, ngoài ra một số tỉnh thành ở đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm Thủ đô Hà Nội, cũng được dự báo có mưa to vào thứ Ba và thứ Tư tới, người dân nên lưu ý có cách phòng tránh thích hợp.