Đơn vị:

Bút sa gà chết là gì? Cần lưu ý gì khi giao kết hợp đồng?

Bùi Việt

Chúng ta hẳn đã quá quen thuộc với câu thành ngữ " Bút sa gà chết ". Tuy nhiên, bút sa gà chết là gì? Nó có nguồn gốc từ đâu? Thì không nhiều người thật sự hiểu rõ về vấn đề này.

Bút sa gà chết là gì?

"Bút sa gà chết" là câu thành ngữ đề cao sự cẩn trọng trong mọi quyết định, đặc biệt là quyết định mang tính ràng buộc cao, có ký kết giấy tờ để tránh những hậu quả không mong muốn.

"Bút sa" có nghĩa là đặt bút viết xuống. Theo văn hóa xưa, bút dùng mực Tàu để viết. Vì thế, một khi bút sa là không thể xóa được. Còn "gà chết" là chỉ hậu quả nghiêm trọng khôn lường khi đưa ra quyết định sai. Vì ngày xưa ông bà lấy chăn nuôi làm trọng nên khi mất gà cũng đồng nghĩa với mất một tài sản trong nhà.

Như vậy, ý nghĩa câu thành ngữ "bút sa gà chết" chính là một lời nhắc nhở mọi người trước khi đưa ra quyết định hoặc làm một việc gì đó (ký kết, hợp tác...) thì nên suy nghĩ cẩn trọng, tìm hiểu kỹ càng. Bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ, bạn cũng phải chịu trách nhiệm với những gì đã quyết. Thậm chí, những quyết định sai còn gây ảnh hưởng đến người khác và bản thân.

Không phải tự nhiên mà hình tượng bút và gà xuất hiện trong câu thành ngữ như một biểu tượng. Câu thành ngữ được đúc kết từ nhiều nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Bút sa gà chết là gì? Cần lưu ý gì khi giao kết hợp đồng?

Nguồn gốc của câu thành ngữ "Bút sa gà chết"

Câu thành ngữ " Bút sa gà chết " dùng để ám chỉ việc cẩn thận trước khi làm việc như " kí tên, hay viết gì đó.." . Thế nhưng chắc hẳn đa số chúng ta đều chưa chắc hiểu được tường tận câu thành ngữ đó. Hãy cùng tham khảo một số cách giải thích sau đây.

- Đó là do tục lệ hối lộ quan lại ngày xưa:

Theo tục lệ ngày xưa, khi người dân đến cửa quan để trình chuyện, xin nhờ vả lúc nào cũng phải có trầu rượu và con gà thì may ra mới được việc. Người ta hài hước với nhau rằng, hễ ngòi bút của quan mà đặt xuống (Bút sa) một loại đơn từ nào đó thì y như rằng một con gà phải lên mâm (gà chết)

- Trả công khi nhờ người khác viết chữ:

Tương tự như trên, thời xưa không phải người dân nào cũng biết chữ, viết thơ từ gì thì phải tìm đến thầy nho. Cứ mỗi lần đến nhờ như vậy thì trả công, biếu bằng một con gà ăn lấy thảo.

- Do tục lệ cúng bái:

Theo hướng mê tín một chút, ngày xưa người dân hay quan niệm tin vào thần linh, có việc gì cũng mời thầy về cúng vái. Thầy bùa khi làm phép thường hay vẽ bùa lên giấy, và gia chủ cũng phải giết gà để phục vụ cho lễ cúng.

- Do người thời xưa hay sử dụng bút lông gà:

Có người cho rằng, thời xưa đầu bút được làm từ lông gà nên phải giết gà thì mới có lông để làm bút viết. Nhưng mà giải thích này mình không khả quan cho lắm vì lông gà làm bút thường rất ít. Chắc thấy trên phim cổ trang hay cầm cọng lông để viết.

Cần lưu ý gì khi giao kết hợp đồng?

- Thứ nhất, về hình thức hợp đồng:

Hợp đồng có thể được thể hiện dưới hình thức bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Tuy nhiên, để tránh những tranh chấp phát sinh sau này do sự không minh bạch, rõ ràng … thì hợp đồng cần được thể hiện dưới dạng văn bản. Đây cũng là cơ sở pháp lý để có thể chứng minh và đảm bảo quyền lợi của các bên.

- Thứ hai, về chủ thể giao kết hợp đồng:

Các bên cần kiểm tra tư cách của người giao kết hợp đồng có đúng pháp luật hay chưa? Đó là người đại điện theo pháp luật hay người đại diện theo ủy quyền?

Nếu là người đại diện theo ủy quyền thì bắt buộc phải có giấy ủy quyền và cũng cần xem xét kỹ nội dung trong giấy ủy quyền như: phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, giấy ủy quyền có được đóng dấu hợp lệ không ... Nếu không chẳng may có tranh chấp xảy ra thì chính việc giao kết hợp đồng với người không đúng thẩm quyền sẽ khiến cho hợp đồng có thể bị vô hiệu.

- Thứ ba, về nội dung hợp đồng:

Khi ký kết hợp đồng thì các bên cần phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nội dung cơ bản cần có trong một hợp đồng. Đặc biệt, để tránh thiếu sót điều khoản thì các bên cần phải lưu ý các điều khoản nào bắt buộc phải có trong hợp đồng, điều khoản nào có thể thỏa thuận và điều khoản nào không thỏa thuận thì sẽ được thực hiện theo pháp luật.

(Căn cứ Bộ luật dân sự 2015)