Cấy chỉ cũng là một phương pháp Y học cổ truyền giúp chữa bệnh, phục hồi chức năng rất hiệu quả, là một phương pháp châm cứu mới, hiện đại. Cấy chỉ vào huyệt vị có thể được coi là một cuộc cách mạng, một bước tiến trong châm cứu.
Cấy chỉ là gì?
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đến nay đã có nhiều hình thức tác động vào huyệt đã được nghiên cứu và ứng dụng như:
- Thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt)
- Từ châm (tác động vào huyệt bằng từ trường)
- Laser châm (tác động vào huyệt bằng ánh sáng)
- Điện châm (kích thích bằng xung điện)
- Cấy chỉ
Cấy chỉ là biện pháp sử dụng chỉ khâu phẫu thuật vi cấy ghép vào huyệt vị được ứng dụng nhằm nâng cao sức khỏe, điều trị, dự phòng và phục hồi chức năng. Phương pháp này có thể còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như cấy chỉ, chôn chỉ, vùi chỉ, nhu châm…
Khác với các hình thức châm cứu truyền thống (là dùng kim châm hoặc dùng ngải cứu kích thích vào huyệt trong một khoảng thời gian nhất định),cấy chỉ sử dụng chỉ khâu phẫu thuật cấy ghép vào huyệt vị có tác dụng tồn lưu lâu dài trên huyệt trong một khoảng thời gian dài ít nhất 15-20 ngày nên nâng cao được hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị…
Cấy chỉ có tốt không?
Cấy chỉ thực chất là một hình thức tác động vào huyệt vị như các phương pháp tác động khác. Điểm khác biệt là do sự tồn lưu của chỉ khâu phẫu thuật trong khoảng thời gian nhất định có tác dụng chữa bệnh.
Dưới sự tác động vào huyệt vị của chỉ khâu phẫu thuật tự tiêu đã kích thích cơ thể:
- Thay đổi đáp ứng miễn dịch, tăng sinh các chất nội sinh có tác dụng giảm đau chống viêm
- Kích thích cân bằng nội tiết
- Cân bằng trương lực cơ
- Cân bằng huyết áp
- Điều chỉnh cơ chế chuyển hóa, an thần
Cấy chỉ vào huyệt vị có thể điều trị đồng thời nhiều bệnh chứng:
- Cấy chỉ có thể được áp dụng cho các trường hợp thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, nhức đầu, thiểu năng tuần hoàn não, thoát vị đĩa đệm, viêm đại tràng mạn tính
- Điều trị - phục hồi chức năng nhiều bệnh lý trong một lần điều trị
- Ở người cao tuổi, có thể khắc phục cùng lúc nhiều căn bệnh khác nhau như bệnh cột sống, đau lưng, đau vai gáy do thoái hóa - thoát vị đĩa đệm trên bệnh nhân đái tháo đường, mỡ máu cao, mãn kinh, thiếu máu não, đau thắt ngực…
- Riêng với bệnh ung thư thì cấy chỉ được xem là hỗ trợ điều trị, khắc phục tình trạng suy nhược, đau đớn, thiếu máu, di chứng do xạ trị, mất ngủ… sau điều trị hóa chất và phóng xạ.
Ưu điểm của cấy chỉ
Cấy chỉ vào huyệt vị đã thể hiện những ưu điểm, khắc phục nhược điểm gây đau, chảy máu của các công nghệ khác, tạo thuận lợi cho việc phát triển châm cứu trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, cấy chỉ có những ưu điểm sau:
- Hiệu quả cao và lâu dài: Bệnh nhân có thể cảm nhận được hiệu quả từ những ngày điều trị đầu tiên, đồng thời hiệu quả lâu dài, tránh tái phát
- Điều trị bệnh không cần dùng thuốc: Đây là phương pháp an toàn cho sức khỏe, hầu như không có tác dụng phụ
- Áp dụng cho nhiều đối tượng: Đây là phương pháp lành tính, có thể áp dụng được cho cả người già và trẻ em
- Tăng lưu thông máu và sức đề kháng: Cấy chỉ tự tiêu vào huyệt vị nhằm tăng phản ứng đồng hoá, giảm dị hóa, tăng lưu thông máu, tăng cường khả năng đề kháng và nâng cao sức khỏe
- Tiết kiệm thời gian và chi phí: Khác với châm cứu truyền thống, phương pháp này cấy chỉ đưa thẳng chỉ tự tiêu vào huyệt vị, tạo ra kích thích liên tục nên có tác dụng kéo dài hơn. Khoảng cách giữa 2 lần cấy chỉ thường là 15-20 ngày, bệnh nhân không cần phải thường xuyên tới bệnh viện.
Những ai không nên cấy chỉ?
Để đảm bảo an toàn, những đối tượng sau đây không nên cấy chỉ. Nếu muốn thực hiện, bệnh nhân nên trao đổi trước với bác sĩ Châm cứu về tình trạng của mình:
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú
- Người yếu ớt, mệt mỏi, sốt cao
- Người dị ứng chỉ catgut (chỉ tự tiêu)
- Người bị viêm nhiễm, bệnh ngoài da
- Huyết áp cao trên 180/ 140 mmHg
- Bệnh nhân chống chỉ định với châm cứu
Lưu ý trước và sau khi cấy chỉ
Trước khi cấy chỉ
- Không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ
Sau khi cấy chỉ
- Nghỉ ngơi, theo dõi phản ứng cơ thể sau khi cấy chỉ
- Tránh lao động nặng, vận động mạnh
- Không tắm hoặc ra ngoài trời lạnh, ô nhiễm, khói bụi sau 4-6 giờ cấy chỉ
- Tránh, hạn chế thực phẩm tanh, đồ nếp, chất kích thích
- Có thể vận động nhẹ nhàng, ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ
- Tái khám đúng hẹn của bác sĩ hoặc bất cứ khi nào có biểu hiện bất thường
Cấy chỉ ở đâu tốt tại Hà Nội
Hiện nay, tại nhiều Khoa, Phòng, Bệnh viện tại Hà Nội đã và đang áp dụng cấy chỉ trong điều trị cho người bệnh.
Tuy nhiên, người bệnh trước khi chọn một nơi điều trị nên tìm hiểu kỹ, liệu cơ sở y tế đó có uy tín không, đã từng điều trị bằng cấy chỉ cho nhiều bệnh nhân chưa…
1. Trung tâm Kỹ thuật cao Châm cứu Việt Nam - Bệnh viện Châm cứu Trung ương
- Địa chỉ: Số 49 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội
Bệnh viện Châm cứu Trung ương là bệnh viện hạng I đơn vị đầu ngành. Bệnh viện cũng luôn được đánh giá tốt về kết hợp tốt giữa y học hiện đại với y học cổ truyền trong chẩn đoán và điều trị bệnh, được người bệnh tín nhiệm.
Bệnh viện Châm cứu Trung ương là cơ sở y tế có uy tín lớn cả ở trong nước và Quốc tế về châm cứu và phục hồi chức năng. Khám, cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh ở tuyến cao nhất bằng phương pháp không dùng thuốc: Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, dưỡng sinh...
Nói về cấy chỉ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương là một trong những đơn vị đi đầu, đã điều trị cho nhiều bệnh nhân. Trung tâm Kỹ thuật cao - Bệnh viện Châm cứu Trung ương triển khai các phòng điều trị chuyên sâu như:
- Khu cấy chỉ
- Khu châm tê phẫu thuật - điều trị đau
- Khu châm Việt Nam
- Khu cứu ngải
- Khu thủy châm
- Khu bấm huyệt
Bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân điều trị các thể bệnh khó chữa như:
- Liệt nửa người do tai biến mạch máu não ở người lớn
- Liệt do di chứng viêm não ở trẻ em
- Liệt mặt, giảm hoặc mất thị lực
- Câm điếc thứ phát
- Các loại liệt thần kinh
- Các chứng đau như đau đầu, mất ngủ, đau lưng, đau thần kinh tọa, đau do ung thư
- Hỗ trợ cai nghiện ma túy
- ...
2. Khoa Khám chữa bệnh tự nguyện - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
- Địa chỉ: Số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội
Khoa Khám chữa bệnh tự nguyện chất lượng cao được thành lập năm 2012 với mục tiêu cung cấp dịch vụ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp Y học cổ truyền và kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại cho các bệnh nhân có nhu cầu.
Khoa có các Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, BSCKI, BSCKII có chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm, là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực YHCT trực tiếp thăm khám cho người bệnh.
Công tác chẩn đoán và khám bệnh còn được sự hỗ trợ của nhiều trang thiết bị y khoa hiện đại như MRI, CT scanner, X quang kỹ thuật số, Siêu âm Doppler…
Khoa Khám chữa bệnh tự nguyện chất lượng cao còn có các phòng điều trị chuyên sâu: Châm cứu, Xoa bóp bấm huyệt, Xông thuốc YHCT, Kéo giãn cột sống thắt lưng, cột sống cổ, Tập vật lý trị liệu…
Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương là một bệnh viện lớn, áp dụng nhiều kỹ thuật điều trị mới, hiện đại và có hiệu quả tốt. Cấy chỉ là một trong những phương pháp được áp dụng khá thành công tại bệnh viện.
3. Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bạch Mai
- Vị trí: Tầng 2 - Khu nhà A6, A8
- Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng, Hà Nội
Khoa Y học cổ truyền là đơn vị chuyên môn kỹ thuật về Y học cổ truyền hoạt động trong bệnh viện đa khoa đặc biệt tuyến trung ương, là cầu nối giữa Y học hiện đại với Y học cổ truyền.
Khoa Y học cổ truyền đã và đang nghiên cứu, kế thừa, phát triển nhiều bài thuốc và một số phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mang lại hiệu quả cao.
Khoa Y học cổ truyền có mối liên kết kết chặt chẽ với các khoa lâm sàng khác trong bệnh viện nên được hỗ trợ tối ưu về chuyên môn kỹ thuật, giúp cho công tác khám chữa bệnh luôn đạt hiệu quả cao nhất.
Khoa còn có khu sơ chế, bào chế và sản xuất dược liệu, thuốc thành phẩm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các loại thuốc Đông dược để phục vụ cho bệnh nhân. Các kĩ thuật điều trị cơ bản và trang thiết bị tại Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bạch Mai:
- Cấy chỉ catgut trên huyệt
- Điện châm điều trị
- Laser châm điều trị
- Siêu âm điều trị
- Sóng xung kích điều trị
- Sóng tần phổ, hồng ngoại
- Kéo giãn cột sống cổ và cột sống thắt lưng bằng máy
- Giác hơi
- Xoa bóp - bấm huyệt điều trị
- …
4. Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
- Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện 108 là khoa lâm sàng thực hiện khám chữa bệnh bằng các kỹ thuật đặc thù của y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.
Khoa đã và đang phát triển kỹ thuật các kỹ thuật mới như: điện từ châm, trường châm, laser châm, cấy chỉ catgut vào huyệt có cải tiến, xoa bóp bấm huyệt trị liệu thoát vị đĩa đệm, tập luyện dưỡng sinh trị liệu hư xương sụn cột sống…
Phương pháp cấy chỉ được đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tại Khoa nghiên cứu sâu và ngày càng được cải tiến hơn.
Hy vọng, với những thông tin trên đây, người bệnh có thể có cơ sở để lựa chọn một đơ vị khám chữa bệnh phù hợp với mình.
Trên đây là những chia sẻ của BookingCare về cấy chỉ. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc.