Tin thời tiết

Bắc Giang khẩn trương nỗ lực tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra

Để phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bắc Giang và các huyện, thị xã, TP tiếp tục theo sát diễn biến của thời tiết, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, đặc biệt là tại các hồ, đập, đê xung yếu.

 

Những ngày qua, mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu và tài sản khác của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị thiệt hại.

Tại huyện Lục Nam, đến ngày 10/6 có 461 ha lúa chiêm xuân sắp đến kỳ thu hoạch bị ngập úng, trong đó hơn 70% nguy cơ bị mất trắng, thuộc những cánh đồng trũng của các xã: Đông Hưng, Tam Dị, Yên Sơn, Trường Sơn, Vũ Xá.

Ở các xã Đồng Vương, Tam Tiến (Yên Thế) vẫn còn hàng chục ha lúa ngập sâu trong nước. Chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân tranh thủ gặt sớm đối với diện tích có thể cho thu hoạch. Tuy nhiên, do nước rút chậm, một số diện tích lúa bị ngâm trong nước thời gian dài có hiện tượng mọc mầm, nguy cơ thất thu rất cao.

Tại Sơn Động, mưa lớn làm sạt lở đất, đá và ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình giao thông trên địa bàn. Trong đó, ngầm Suối Dài, đoạn từ thôn Hạ đi thôn Đẫng, xã Long Sơn bị chia cắt tạm thời.

Đồng chí Ngọc Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn thông tin, do mưa lớn, nước đổ về làm trôi hết phần đất, đá công trình đang thi công. Xã đã cử lực lượng cắm chốt phân luồng hướng dẫn người dân di chuyển theo hướng khác để bảo đảm an toàn.

 

Đơn vị thi công cũng cho biết đang chờ nước rút để đổ đất, đá, lu lèn tạm thời cho người dân đi lại. Về nông nghiệp, xã Long Sơn có khoảng 1,2 ha lúa chiêm xuân vẫn đang bị ngập nước.

Lục Ngạn là địa phương có nhiều xã, thị trấn bị ảnh hưởng do mưa lũ. Mưa lớn khiến một số ngầm tràn tại các xã vùng cao bị ngập cục bộ. Đến sáng nay, cơ bản nước đã rút nên không ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.

Riêng với các hồ đập, trạm thủy nông trên địa bàn, dung tích đã cơ bản bằng và vượt so với dung tích thiết kế. Trong đó, có 6 hồ chứa là: Khuôn Thần, Bầu Lầy, Đá Mài, Làng Thum, Lòng Thuyền, Khuôn Vố, lượng nước đã qua mặt tràn xả lũ từ 15 đến 20 cm.

Trước tình hình này, sáng 10/6, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lục Ngạn đã đến một số xã Hồng Giang, Trù Hựu, Kiên Lao trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả mưa lũ. Yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, sẵn sàng các phương án phòng, chống lụt bão với tinh thần "4 tại chỗ".

 

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Giang, độ ẩm đất ở một số khu vực đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất trên các suối nhỏ, khe núi, sườn dốc, đường giao thông, nơi có các công trình đang thi công, ngập úng cục bộ ở các vùng trũng thấp.

Hiện cơ quan chức năng đã thông báo danh sách các khu vực có nguy cơ cao sạt lở, sụt lún, lũ quét. Cụ thể, huyện Lục Ngạn có 9 khu vực (Tân Lập, Kim Sơn, Mỹ An, Phượng Sơn, Phong Minh, Sa Lý, Hộ Đáp, Tân Sơn, Tân Hoa); Lục Nam có 4 khu vực (Trường Giang, Chu Điện, Vũ Xá, Lục Sơn); Yên Thế có 4 khu vực (Tam Tiến, Đồng Vương, Đồng Tiến, Đồng Hưu);

Yên Dũng có 5 khu vực (Trí Yên, Yên Lư, Nham Biền, Nội Hoàng, Tiền Phong); Tân Yên có 4 khu vực (Liên Chung, Quế Nham, Ngọc Lý, Việt Ngọc); Hiệp Hòa có 3 khu vực (Hợp Thịnh, Mai Đình, Đông Lỗ); Lạng Giang có 3 khu vực (Hương Sơn, Mỹ Thái, Dương Đức); Sơn Động có 7 khu vực (Yên Định, Tuấn Đạo, Thanh Luận, Dương Hưu, Long Sơn, Thanh Sơn và An Châu); thị xã Việt Yên có 1 khu vực (Tự Lạn).

Bên cạnh nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở đất, đá, lũ quét ở các vùng xung yếu, hiện tại, mực nước lũ trên sông Thương tại Trạm Thủy văn Cầu Sơn vẫn ở mức trên báo động số 2. Cảnh báo trong 6 giờ tới, các khu vực trong tỉnh Bắc Giang tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10- 30 mm, có nơi trên 70 mm.

Để phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, TP tiếp tục theo sát diễn biến của thời tiết, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, đặc biệt là tại các hồ, đập, đê xung yếu.

Triển khai lực lượng thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu dân cư gần sông, suối, ngầm tràn; vùng hạ du các hồ đập và khu trũng thấp, sẵn sàng phương án di dời kịp thời, nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân khi xuất hiện tình huống nguy hiểm.

Thường xuyên kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông ở những ngầm tràn, cầu, khu vực nước chảy xiết và những nơi có nguy cơ sạt lở. Nhắc nhở người dân tuyệt đối không đánh bắt cá trên các sông, suối khi trời đang mưa, nước dâng cao. Ngay sau khi nước rút, các địa phương khẩn trương chỉ đạo thống kê thiệt hại, kịp thời có phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.