Tin tức

Cô gái cởi áo cử nhân mặc cho anh trai trong lễ tốt nghiệp

Clip ghi lại cảnh Thảo mặc áo cử nhân cho anh trai trong ngày cô tốt nghiệp đại học khiến cộng đồng mạng xúc động.

Món quà đặc biệt

Theo công trình ra tận Vũng Tàu, làm việc dưới tiết trời nóng bức, anh Đỗ Văn Ban (35 tuổi, Bình Dương) vẫn thấy lòng nhẹ nhõm, tươi vui. Bởi, anh vừa hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của bố mẹ là giúp em gái đi hết con đường học tập của mình.

Ban hoàn thành tâm nguyện ấy vào sáng 18/3 khi đến dự lễ tốt nghiệp đại học của em gái Đỗ Thị Thảo và được em trao tặng món quà bất ngờ. Sáng hôm ấy, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, Đỗ Thị Thảo vội chạy ra sân trường.

Đến trước mặt anh trai, cô gái 23 tuổi cởi mũ, bộ quần áo cử nhân rồi mặc nó lên người anh. Thảo muốn tri ân anh trai, người đã hi sinh tuổi thanh xuân, thay bố mẹ nuôi cô ăn học, trưởng thành như bây giờ.

Ban đến chúc mừng em gái trong ngày em tốt nghiệp đại học.

Giây phút được em gái tự tay khoác chiếc áo cử nhân lên người, Ban vừa bất ngờ vừa xúc động. Anh vỡ òa trong niềm hạnh phúc, lúng túng đón nhận thành quả mà bản thân đã dùng cả thanh xuân để đổi về.

Ban là con cả trong gia đình có 4 anh chị em. Sau anh là 2 em gái sinh đôi và Thảo. Thế nhưng, trong một tai nạn vào ngày giáp Tết, anh mất mẹ và một người em gái kế mình.

Anh kể: “Cuối năm 2003, vì muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải những ngày Tết, mẹ và em gái tôi cùng một số người thuê đò vượt sông đi làm”.

“Nào ngờ đò chìm. Mẹ và em gái tôi không biết bơi nên không về nữa. Tôi đau đớn, nghĩ rằng vì kiếm đồng tiền mà mẹ và em mới mất. Từ đó, tôi quyết tâm đi làm kiếm tiền gửi về cho bố, giúp bố nuôi các em, xây mộ cho mẹ”.

Nghe tin trong miền Nam nhiều việc làm, Ban xin bố 150.000 đồng tiền xe vào Bình Dương. Năm đó, Ban mới tròn 16 tuổi. Đến nơi, Ban không còn tiền nên ăn, ngủ nhờ ở nhà người thân. Chưa đủ tuổi, Ban không xin được việc làm.

Không làm ra tiền, sau 1 tháng ở nhờ, Ban bị chủ nhà hắt hủi. Anh xin ra ngoài sống lang thang cho đến khi gặp những người đồng hương. Thương Ban tứ cố vô thân nơi xứ người, họ đưa anh về phòng, cho ở tạm rồi dẫn đi phụ hồ, làm chui trong xưởng gỗ tư nhân…

Đó là khoảng thời gian Ban đối mặt với việc bị ức hiếp, đe dọa, đánh đập của người đời. Tuy vậy, anh không chùn bước, vẫn kiên định với ý nghĩ phải tìm được việc làm, có thu nhập để gửi về cho bố.

Sau đó, anh bất ngờ và hạnh phúc khi được em gái khoác lên người bộ đồ cử nhân.

Sau 2 năm “làm chui”, Ban đủ tuổi và tìm được việc làm chính thức. Đó cũng là lúc Thảo vào cấp 2, Ban phải gửi tiền về quê giúp bố nuôi em ăn học.

Thời điểm ấy, mỗi tháng Ban cố gắng gửi 90% tiền lương về quê. Để tiết kiệm, anh ăn mì tôm trừ bữa. Ban cũng gạt bỏ mọi thú vui. Mỗi ngày, Ban chỉ biết đi làm, tăng ca rồi về phòng trọ.

Dẫu vậy, nghiệt ngã cuộc đời vẫn chưa buông tha anh. Mẹ mất được 5 năm, bố anh đổ bệnh. Ban căng sức ra làm.

Anh tăng ca bất kể giờ giấc để vừa có tiền nuôi em vừa chạy chữa cho bố. Nhưng không được bao lâu, ông cũng theo về với vợ.

“Trở thành người cha, người mẹ bất đắc dĩ”

Cha mất một thời gian, Ban mới được nghỉ phép để về thăm nhà. Chứng kiến cảnh nhà tan hoang, mấy đứa em nheo nhóc, nước mắt Ban chảy dài. Anh hoang mang thậm chí nghĩ việc chối bỏ cuộc đời khi thấy tương lai vô định, chẳng biết đi về đâu.

Giữa lúc ấy, Ban nghĩ đến đứa em gái chịu nhiều thiệt thòi. Anh không muốn Thảo chịu thêm nỗi đau nào khác. Ban tâm sự: “Em tôi chịu quá nhiều thiệt thòi. 3 tuổi, em mất mẹ, 11 tuổi lại mất tình yêu thương của bố.

Anh hạnh phúc bởi những cố gắng của mình đã giúp em có được tấm bằng đại học.

Sớm mất bố mẹ, em không còn ai để dựa dẫm nữa. Nghĩ vậy, tôi cố gắng biến mình thành người cha, người mẹ bất đắc dĩ để em có thể dựa vào”.

Việc đầu tiên Ban nghĩ đến là phải lo cho em học hành đầy đủ. Đó cũng là ước nguyện cuối đời của bố mẹ anh. Ngày biết Ban tiếp tục cho em đi học, người thân, bạn bè anh ngăn cản, chê bai hết lời.

Họ nói con gái ở quê không cần học nhiều, chỉ hết lớp 12 là đủ. Hơn thế, nhà nghèo, học ra cũng không xin được việc… Ban không nghe. Bởi anh biết, nếu không có kiến thức, cuộc sống của em cũng sẽ như mình ngày trước, phải chạy ăn từng bữa.

Rồi Ban nghĩ: “Nếu như bây giờ, mình đánh đổi cuộc sống của mình để em có tấm bằng đại học, sau này em ngồi văn phòng, cuộc sống, tương lai sẽ tốt hơn”. Anh quyết định dốc toàn lực cho em vào đại học.

Không được ai có kinh nghiệm tư vấn, Thảo chọn bừa vào một trường đại học tại TP.HCM. Ngày nhận giấy nhập học, Thảo choáng váng khi nhìn thấy con số 20 triệu đồng tiền học phí cho học kỳ đầu.

Đây cũng là lần đầu sau 7 năm anh em Ban mới tụ họp đông đủ.

Lúc này, Ban cũng vừa lập gia đình. Không muốn ảnh hưởng đến hạnh phúc anh trai, Thảo ngỏ lời xin nghỉ học. Tuy vậy, Ban không đồng ý. Anh quyết định sẽ đầu tư cho em học hết đại học.

Ban bàn với vợ lấy hết số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng ra đóng học phí cho em. Anh cố gắng giải thích, mong vợ thấu hiểu cho hoàn cảnh của mình và được đồng ý.

Sau này, khi thấy em ngày ngày bắt xe buýt từ Bình Dương đến TP.HCM học tập, Ban xin nghỉ việc chỗ làm cũ. Anh rút tiền bảo hiểm mua cho vợ chiếc xe máy để nhường lại chiếc xe đạp điện cho em gái có phương tiện đến trường.

Thương vợ chồng anh trai hi sinh vì mình, Thảo cố gắng học tập để có học bổng, giúp anh trang trải tiền học phí. Thời gian rảnh, cô gái phụ giúp chị dâu, bán hàng online để có tiền sinh hoạt.

Ngày em gái tốt nghiệp đại học, Ban hạnh phúc như chính mình đạt thành quả sau hơn 10 năm nỗ lực. Anh nói: “Ngày em tốt nghiệp, tôi hạnh phúc lắm nhưng cũng ngổn ngang lo lắng. Tôi lo em không xin được việc làm, phải một mình đương đầu với xã hội đầy rẫy những khó khăn, cạm bẫy.

Rất may là hiện em đã tìm được việc làm và ra ở trọ riêng tại TP.HCM. Tôi tự hào khi biết sắp tới, em sẽ tự đi trên đôi chân của mình. Tuy vậy, tôi vẫn sẽ luôn ở phía sau hỗ trợ, động viên mỗi khi em cần đến”.

Clip, ảnh: Nhân vật cung cấp