Tin thời tiết

Di chuyển xe máy trong thời tiết trời mưa bão, cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn?

Việc lái xe máy trong thời tiết mưa bão tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả người lẫn xe. Do đó, các tài xế cần ghi nhớ một số những lưu ý sau để giúp điều khiển xe được an toàn hơn.

 

Những ngày qua, miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng mưa lớn liên tục kèm theo gió lớn gây ngập úng ở nhiều tuyến đường. Khi trời mưa bão, việc lái xe máy trở nên khó khăn hơn bởi không chỉ làm giảm tầm nhìn mà còn ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát xe, dễ dẫn đến tai nạn.

Chính vì vậy, những người đi gắn máy cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng điều khiển xe máy trong ngày mưa bão. Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Anh Tú, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đào tạo lái xe máy và là chủ tiệm xe Tuấn Tú Motor (Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để cùng chia sẻ một số lưu ý giúp các tài xế lái xe an toàn hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt này.

Giữ tốc độ vừa phải

Theo anh Tú, khi trời mưa đường ướt sẽ làm độ bám đường của vỏ xe với mặt đường bị giảm rất nhiều, hệ thống phanh từ đó cũng giảm tác dụng... Bên cạnh đó, nếu mưa quá lớn gây ngập úng sẽ làm giảm tầm nhìn của người lái, khó quan sát rõ các chướng ngại vật hoặc phương tiện khác trên đường.

 

Chính vì vậy, khi đi xe trời mưa tuyệt đối không được đi với tốc độ cao mà chỉ duy trì ở mức an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của đường xá và thời tiết.

“Tốc độ khuyến nghị đối với tài xế xe máy trong thời tiết mưa khoảng từ 20-25km/h, nếu đường ngập úng thì đi dưới 20km/h. Đường ngập nước có thể che giấu ổ gà, hố sâu hoặc các vật cản nguy hiểm nên đi chậm để có thể kiểm soát xe tốt hơn và giảm nguy cơ xe bị chết máy,” anh Tú cho hay.

Bên cạnh đó, tài xế cũng nên chú ý quan sát và bật xi nhan khi khi muốn sang đường vì sẽ có rất nhiều người đang cố đi thật nhanh để tránh mưa.

Sử dụng phanh hợp lý

Một điều nữa cần chú ý lái xe máy dưới trời mưa mà anh Tú đề cập đến đó là về việc sử dụng phanh xe.

Theo đó, trời mưa làm đường ướt, giảm độ ma sát giữa lốp xe và mặt đường, tăng nguy cơ trượt bánh khi phanh gấp. Còn nếu trời ngập, xe bị thủy lực sẽ làm giảm hiệu quả của phanh.

Do vậy, để đảm bảo an toàn, khi sử dụng phanh người lái nên dùng phanh sau vì phanh trước của xe thường là phanh đĩa nên nếu phanh sẽ dễ gây lết bánh, đổ xe. Đặc biệt, không nên phanh gấp dễ gây va chạm cho người đi sau.

Nếu muốn giảm tốc độ, tài xế hãy sử dụng cả phanh trước và phanh sau một cách nhẹ nhàng và đồng thời. Phanh sau giúp giữ ổn định xe, trong khi phanh trước tạo lực phanh chính để giảm nguy cơ bánh sau bị khóa và trượt, tăng khả năng kiểm soát xe.

Ngoài ra, trước khi đi dưới trời mưa các tài xế cũng cần phải kiểm tra phanh xe trước khi đi để đảm bảo nó vẫn hoạt động tốt. Hãy chắc chắn rằng má phanh không bị mòn và dầu phanh đủ mức.

Hạn chế đi gần khu nhiều cây và nhà cao tầng

Khi trời mưa bão, gió mạnh làm các có thể làm gãy cành cây hoặc thậm chí làm đổ cả cây, điều này tạo ra nguy cơ lớn gây tai nạn nghiêm trọng, gây thương tích cho người lái xe và làm hư hỏng phương tiện.

Cùng với đó, những đoạn đường đi qua khu nhà cao tầng, hai bên hút gió, gió giật mạnh có thể khiến nhiều phương tiện mất cân bằng và bị ngã.

 

Do vậy, anh Tú chia sẻ rằng các tài xế khi lái xe hãy chọn các tuyến đường không có nhiều cây lớn hoặc nhà cao tầng để giảm nguy cơ gặp phải các tình huống nguy hiểm kể trên.

Trước khi ra đường, người lái hãy kiểm tra thông tin về thời tiết và giao thông để biết được các khu vực nào có nguy cơ ngập lụt hoặc đang bị ảnh hưởng bởi mưa bão qua báo đài hoặc các ứng dụng như Google Map, UDI Map, HSDC Map… Nếu bắt buộc phải di chuyển qua các khu vực này, hãy trang bị đầy đủ áo mưa, mũ bảo hiểm kín gió, và các dụng cụ bảo hộ khác để giảm thiểu rủi ro.

Tập trung, quan sát kỹ khi đi vào đường ngập

Tại Việt Nam và Hà Nội nói chung, vấn đề ngập lụt trở nên “quen thuộc” mỗi khi trời mưa. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà ai cũng có thể thành thạo lưu thông ngoài đường khi đối mặt với ngập lụt. Đây là một trong những mối nguy hiểm cao nhất mà những người điều khiển xe máy thường phải đối mặt khi mưa bão và rất dễ bị tai nạn do khó điều khiển xe, không thể quan sát được các chướng ngại vật...

Vì vậy, nếu có thể, các tài xế hãy tránh những con đường ngập hoặc đợi nước rút. Nếu buộc phải đi qua những đoạn đường ngập, người lái hãy dừng xe quan sát và áng chừng mực nước trước khi quyết định đi qua. Tốt nhất là tránh những vùng nước ngập quá bô xe vì như vậy xe rất dễ bị chết máy và có thể gây hỏng một số chi tiết.

Nếu đi qua, tài xế nên đi theo dòng xe phía trước và giữ khoảng cách an toàn bởi điều này sẽ giúp bạn tránh những rủi ro phía dưới mặt nước, quan sát được mực nước phía trước có an toàn với xe hay không. Ngoài ra, người lái cũng không nên đi sát các vỉa hè vì rất có thể có những rãnh nước hoặc hố ga bị mất nắp hay hư hại…

Thêm một lưu ý, người lái đi xe nên giữ ở số thấp (đối với xe số) và giữ đều ga (với xe tay ga) bởi việc này sẽ giúp chiếc xe chạy khoẻ hơn và không bị nước tràn vào ống bô gây chết máy.

Giữ bình tĩnh khi xe chết máy

Khi đi vào các vùng ngập nước, không phải tài xế nào cũng biết cách xử lý sao cho xe đi qua an toàn, còn nếu ngập sâu thì rất dễ bị chết máy. Xe chết máy trong nước nếu xử lý không đúng cách có thể làm nước xâm nhập vào động cơ, hệ thống điện và các bộ phận khác, gây hư hỏng nặng hơn.

Do đó, anh Tú cho biết ngay khi nhận thấy xe chết máy, tài xế không nên cố khởi động lại xe mà hãy tắt chìa khóa để tránh nước tiếp tục xâm nhập vào động cơ. Sau đó, đẩy xe ra khỏi vùng ngập đến nơi cao và khô ráo hơn để làm nước xâm nhập sâu hơn vào các bộ phận của xe, đồng thời có không gian để kiểm tra xe và xử lý tình huống một cách an toàn.

 

Sau khi đã đưa xe ra khỏi vùng ngập, chủ xe hãy tháo bugi và kiểm tra xem có nước xâm nhập vào động cơ hay không. Nếu có thể, hãy dốc ngược xe để nước chảy ra rồi lau khô các bộ phận điện. Đảm bảo rằng xe được làm sạch và khô ráo trước khi cố gắng khởi động lại, giúp tránh hư hỏng nghiêm trọng hơn.

Còn trong trường hợp nếu người lái không tự xử lý được hoặc nếu xe bị ngập nước quá sâu, hãy gọi cứu hộ hoặc dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp để xe được kiểm tra và sửa chữa đúng cách, tránh các vấn đề phát sinh sau này.

Lái xe máy trong điều kiện mưa, ngập lụt đòi hỏi sự cẩn trọng và kỹ năng cao. Hy vọng rằng với những kinh nghiệm và hướng dẫn trên từ anh Tú, các tài xế sẽ có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác khi tham gia giao thông.