Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 17/6 hằng năm là Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước chống sa mạc hóa.
Ngày kỷ niệm này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xung quanh các vấn đề về hạn hán, sa mạc hóa; khuyến khích thực hiện Công ước chống sa mạc hóa tại các quốc gia bị tác động nghiêm trọng bởi hạn hán và sa mạc hóa.
Xác định hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến an ninh sinh thái của hành tinh, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế-xã hội và phát triển bền vững, năm 2024, chủ đề của Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán là: Chung tay quản lý đất bền vững - Di sản của chúng ta, tương lai của chúng ta.
Diễn biến ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu trong thời gian qua cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên Trái đất. Liên hợp quốc đã từng cảnh báo quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những "thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta".
Sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán là một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất của thời đại. Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, mỗi giây, diện tích đất lành bị suy thoái tương đương với 4 sân bóng đá và mỗi năm, diện tích đất bị suy thoái lên tới 100 triệu ha.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres cho biết: “An ninh, thịnh vượng và sức khỏe của hàng tỷ người dựa vào những vùng đất trù phú - những khu vực hỗ trợ cuộc sống, sinh kế và hệ sinh thái, nhưng chúng ta đang phá hủy Trái đất vốn nuôi sống chúng ta”.
Sa mạc hóa ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là môi trường và sinh kế của người dân, dẫn đến hậu quả làm mất các thảm thực vật. Sa mạc hóa khiến đồng bằng bị ngập lũ, đất bị xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nước và phù sa của các sông, hồ. Khoảng 50 triệu người có thể phải di dời trong vòng 10 năm tới do sa mạc hóa.
Theo Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc, hạn hán là tình trạng suy thoái đất trong các khu vực khô hạn, bán khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn. Trong những năm gần đây, hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Hạn hán bắt nguồn từ biến đổi khí hậu có nguy cơ làm trầm trọng thêm hiện tượng sa mạc hóa. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000. Nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Cộng đồng quốc tế đánh giá hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề rộng, liên quan tới cả 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Hạn hán và sa mạc hóa được xem là thảm họa của thiên nhiên, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới đời sống con người.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo hạn hán đang ảnh hưởng đến 56 triệu người trên toàn cầu, 40% dân số bị thiếu nước, khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di cư vào năm 2030.
Hạn hán là mối nguy hại nghiêm trọng với gia súc và cây trồng; là một trong những nguyên nhân gây ra 80-90% các thảm họa thiên nhiên được ghi nhận trong 10 năm qua.
Nhận thức rõ vấn đề và cùng chung trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia, trở thành thành viên thứ 134 của Công ước từ rất sớm (ngày 19/8/1998).
Việt Nam luôn nỗ lực cam kết thực hiện Khung hành động của Công ước cũng như trách nhiệm nước thành viên. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có khoảng 400 ha sa mạc tự nhiên. Việt Nam không phải quốc gia trọng điểm về sa mạc hóa nhưng suy thoái đất đã và đang diễn ra âm thầm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020.
Việt Nam đang tập trung “về đích” Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Chương trình là bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 24/05/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP điều chỉnh một số mức đầu tư, hỗ trợ một số hoạt động về bảo vệ và phát triển rừng.