Tin thời tiết

Sóc Trăng những câu chuyện thích nghi giữa tứ bề mặn, hạn

Có về Sóc Trăng những này này, bên cạnh những khó khăn, thiệt hại từ hạn, mặn, chúng tôi còn được nghe, được thấy những kiểu thích nghi với hạn, mặn rất hiệu quả của nhà nông ở Sóc Trăng nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.

 

Và như cách nói của những nông dân cố cựu tại những vùng “đến hẹn lại mặn” thì nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể “sống khỏe” giữa tứ bề hạn, mặn.

Chúng tôi vẫn còn nhớ chuyến công tác về huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vào mùa khô năm 2020, bên cạnh hình ảnh những cánh đồng khô khốc, nứt nẻ chỉ thị cho tính khốc liệt của mùa khô, vẫn còn đó những mô hình “sống cùng hạn, mặn” hết sức thú vị và hiệu quả.

Đó là những mô hình trồng đậu xanh, bí đỏ, dưa gang trên nền đất lúa đang xanh tốt như thách thức cái nắng gay gắt của mùa khô ở vùng Bán đảo Cà Mau này. Đó còn là những ao cá sặc rằn được thả nuôi ngay sau khi mùa mưa vừa kết thúc để đến cuối mùa mưa năm sau thì thu hoạch bán cho cơ sở làm khô Tết.

Và vẫn còn đó hình ảnh hàng chục cái kiệu chứa nước mưa xếp hàng dài cặp bên hông nhà để sử dụng trong suốt mùa khô khá quen thuộc ở những vùng nông thôn Nam Bộ ngày xưa. Đó không chỉ là sự kế thừa kinh nghiệm, mà còn là sự tiến bộ của nông dân trong việc thích ứng với hạn, mặn.

Trở lại với câu chuyện ở Sóc Trăng, ở vùng tứ bề sông, biển như Cù Lao Dung thì chuyện mùa khô bị mặn vốn được coi là bình thường, bởi họ vốn đã thích nghi từ hàng chục năm nay.

Anh Hai Văn (Phạm Hồng Văn - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung) vẫn thường hay nói vui với tôi rằng: “Mặn thì năm nào cũng có, nhưng tôi vẫn sống ở đây hơn 60 năm rồi có sao đâu!

Ở cái xứ cù lao giữa sông lại giáp biển này, muốn sống và làm ăn được thì bắt buộc mọi người phải hiểu được chuyện nắng mưa, mặn ngọt; hiểu được đặc tính cây trồng, đồng đất và bây giờ thì có thêm chuyện nữa là phải cập nhật thông tin dự báo thời tiết, thủy văn thường xuyên, ngay từ khi mùa mưa vừa kết thúc”.

Để thích nghi với sự biến đổi không ngừng của khí hậu, thời tiết, những nông dân trên xứ cù lao này đã không ít lần thay đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi.

Từ việc bỏ lúa chuyển sang trồng mía, trồng màu, rồi đến cây ăn trái và bây giờ có cả con tôm nước lợ ở những vùng giáp biển. Bởi vậy, đợt hạn, mặn năm nay đã là đợt hạn, mặn gay gắt thứ ba kể từ năm 2016 đến nay, nhưng cuộc sống, sản xuất của người dân nơi đây vẫn diễn ra hết sức bình thường, không có nhiều xáo trộn.

Tuy nhiên, cách thích nghi để lại ấn tượng nhất vẫn là mô hình “mùa nắng giữ vuông, mùa mưa trồng lúa” được nông dân Sóc Trăng và một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL thực hiện khá hiệu quả hàng chục năm qua với tên gọi: “mô hình tôm - lúa”.

Đây được xem là mô hình thuận thiên có tính bền vững cao và đặc biệt là lượng phát thải khí nhà kính được các nhà khoa học đo đạc gần như bằng 0 (Net-Zero).

Theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nói chung và Bán đảo Cà Mau nói riêng cần theo hướng thuận thiên để vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa giúp phát triển một cách bền vững.

Theo đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp cần chuyển đổi theo thứ tự ưu tiên: thủy sản, cây ăn trái và sau cùng là cây lúa. Tuy nhiên, việc khuyến cáo nông dân từ bỏ dù chỉ là 1 vụ lúa thôi cũng là rất khó. Đây cũng là nguyên nhân chính của những cuộc "xé rào" xuống giống lúa dẫn đến thiệt hại không đáng có trong mùa hạn, mặn, dù đã được thông báo từ rất sớm.

Theo cách lý giải của đa số nông dân làm lúa trong mùa hạn, mặn thì: “Làm lúa quen rồi, nên cũng dễ làm, chỉ cần có nước là dễ đạt năng suất và dễ bán được giá cao, trong khi mấy loại cây trồng khác thì tiêu thụ bấp bênh lắm”.

 

Rõ ràng là nông dân vẫn biết trước là rủi ro nhưng họ vẫn chấp nhận đánh cược một phần vì chưa tìm được cây trồng thay thế, phần khác, cũng có những năm ngay trong thời gian hạn, mặn vẫn có đôi ba lần họ lấy được nước ngọt, giúp cây lúa trúng mùa, trúng giá.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, đối với năm cực đoan thì việc ứng phó theo tình huống là chấp nhận được và việc này đã được ngành nông nghiệp các tỉnh triển khai thực hiện rất tốt trong thời gian qua.

Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần hiểu quy luật tự nhiên và thuận theo tự nhiên để hưởng lợi những gì tự nhiên mang lại. Hay nói một cách khác, lẽ ra mặn cũng là cơ hội nếu chúng ta chủ động có mô hình thích ứng một cách hiệu quả nhất.

Điều này đã được không ít nông dân vùng hạn, mặn vận dụng khá thành công bằng các mô hình thích ứng một cách chủ động, như: tôm - lúa, hay bỏ 1 vụ lúa để chuyển sang 1 vụ màu, hoặc trồng bắp sinh khối trong mùa khô để bán lại cho các trang trại nuôi bò làm thức ăn chăn nuôi…

Thời tiết ngày càng cực đoan; biến đổi khí hậu ngày một gay gắt. Bao giờ sản xuất mới thuận thiên, bao giờ mặn mới trở thành cơ hội và hàng loạt những câu hỏi bao giờ khác nếu không sớm có được câu trả lời thỏa đáng thì sản xuất vẫn còn bấp bênh, nông dân vẫn còn gặp khó trong mỗi mùa hạn, mặn.