Đơn vị:

Bài thơ "Chiếc lá vàng rơi" của Trương Vạn Thành

Bùi Việt

CHIẾC LÁ VÀNG RƠI

Bài thơ Ảnh minh hoạ

TRƯƠNG VẠN THÀNH

Bên hiên vắng chiếc lá vừa

rơi như là lá hãy còn mơ

thinh không không một lời từ biệt

để lòng thơ thẩn buồn vu vơ

khểnh khao chiếc lá nằm trên cỏ

ai oán gì đâu hỡi trời thu

lòng riêng gửi chút vàng tươi ấy

dệt với thu mùa những mộng mơ

dẫu biết một mai thành lá mục

dẫu biết lại qua dưới chân người

một đời chăm chút cho mầu lá

chín vàng rơi xuống sắc vàng thu

tôi đặt trên tay chiếc lá vừa

rơi nghe lá hát khúc tình xưa

chao ơi da diết trong hồn biếc

những tiếng yêu thương,

tiếng gọi mùa

LỜI BÌNH:

Một Chiếc lá vàng rơi có gì xao xác xúc động đến vậy: Mà nhà thơ Trương Vạn Thành muốn gửi gắm lòng mình: Bên hiên vắng chiếc lá vừa/ rơi như là lá hãy còn mơ/ thinh không không một lời từ biệt/ để lòng thơ thẩn buồn vu vơ.

Bốn câu đầu của bài thơ nói về một quy luật của tự nhiên: Lá xanh, rồi lá vàng và rụng xuống. Tự nhiên với lá nhưng không thể tự nhiên với trái tim đa cảm của nhà thơ. Khi mà không gian diễn ra sự từ biệt (cũng là sự vĩnh biệt) của chiếc lá với cành cây mang vẻ buồn man mác: Bên hiên vắng, là hãy còn mơ, không một lời từ biệt. Và bắt đầu xuất hiện tâm trạng của nhà thơ: Để lòng thơ thẩn buồn vu vơ. Ở cặp câu đầu tiên, tác giả không tuân thủ theo cú pháp thông thường vừa rơi, mà động từ rơi đưa xuống đầu câu thơ thứ 2, gợi sự chông chênh không bền vững, bất an. Và đến khổ thơ thứ hai thì tác giả đã phả vào thân phận của chiếc lá vàng rơi ấy nỗi lòng trắc ấn của mình: khểnh khao chiếc là nằm trên cỏ/ ai oán gì đâu hỡi trời thu/ lòng riêng gửi chút vàng tươi ấy/ dệt với thu mùa những mộng mơ. Và tâm trạng trắc ẩn, bất an được đẩy lên khi nghĩ đến sự tàn tạ tiếp theo của thân phận lá: dẫu biết một mai thành lá mục/ dẫu biết lại qua dưới chân người. Nhà thơ thảng thốt đến xa xót cho một đời Lá: một đời chăm chút cho mầu lá/ chín vàng rơi xuống sắc vàng thu.

Tôi chợt nhớ thơ Tản Đà: Vèo trông lá rụng ngoài sân, đến tâm trạng đồng điệu trong thơ Khuất Bình Nguyên: Tôi sợ mùa thu rơi hết Iá/ Còn đâu vàng nữa để bâng khuâng, thơ Đinh Nam Khương: Lá rơi tận phía trời xa/ Thế mà xao động như là đâu đây, đến On-ga Béc-gôn khi nữ thi sĩ Nga đứng trước Mùa lá rụng: Xúc dộng, da diết, thương yêu với nỗi cây, nỗi người, với tình yêu cuộc sống: Ôi trái tim tôi, trái tim của một mình tôi/ Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ... Tôi có thể yêu ai, ai làm tôi vui sướng?/ Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng, (Bằng Việt dịch).

Trở lại bài thơ Chiếc lá vàng rơi, nếu ở 3 khổ trên là tâm trạng tình cảm của nhà thơ được gửi gắm qua hình ảnh chọn lọc của chiếc lá vàng thì ở khổ thơ cuối mới xuất hiện một cử chỉ duy nhất của tác giả: Tôi đặt trên tay chiếc lá vừa/ rơi nghe lá hát khúc tình xưa. Sự giao cảm giữa những nhịp đập trái tim đa cảm của tác giả với chút nhựa tàn của chiếc lá? Đã làm bật lên ào ạt, da diết trong hồi ức gọi mùa: chao ơi da diết trong hồn biếc/ những tiếng yêu thương, tiếng gọi mùa.

Đằng sau hình ảnh một chiếc lá vàng rơi nhỏ nhoi là một tấm lòng yêu thiên nhiên rộng lớn, yêu cuộc sống đắm say và một trái tim đa cảm đầy tâm sự, một thái độ sống nhân văn.

Bài thơ kết mà dư âm, sự ám ảnh vẫn còn theo mãi trong tâm hồn người đọc. Bài thơ ngắn, với sự ngắt câu có chủ ý, không ham tả, hình ảnh chọn lọc, từ thơ rõ ràng… tất cả hỗ trợ nhau làm nên sự hoàn chỉnh của bài thơ. Đó là thành công của nhà thơ Trương Vạn Thành ở bài thơ hay này.

Lê Huy Hoà | Báo văn nghệ

-

Bài viết cùng chuyên mục:

Bài thơ buổi sáng - Thơ Nguyễn Hữu Quý Bài thơ "Làm dâu" của Trần Mạnh Hảo - Lời bình Đặng Toán Bài thơ “Cỏ ướt” của Trần Quốc Thực. Lời bình của Trần Tuệ Anh Bài thơ "Bờ sông vẫn gió" của Trúc Thông Bài thơ định mệnh "Bên sông" của Bế Kiến Quốc