Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng. Tình trạng hạn hán kéo dài đã làm cho mực nước sông suối, ao hồ xuống thấp, dẫn đến nhiều diện tích cây trồng có nguy cơ bị thiếu nước tưới. Nhất là, tình hình nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiệt độ gia tăng, các mực nước ở sông suối giảm rõ rệt.
Để vận hành hiệu quả các công trình thủy nông, ngoài phương án của đơn vị chuyên môn, các địa phương cần chủ động nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết cực đoan, bố trí kinh phí, nhân lực khai thác tối đa nguồn nước, đảm bảo kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất hiệu quả.
Thời gian gần đây, BĐKH tiếp tục gây ra các hiện tượng thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, như: lốc xoáy, mưa đá, nắng nóng, hạn hán, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất…
Mức độ tác động, quy mô ảnh hưởng và tần suất xuất hiện ngày càng gia tăng. Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa khô năm 2024, xu thế dòng chảy trên các sông suối giảm, tổng lượng dòng chảy trên sông Bằng có khả năng thiếu hụt 10 - 15%, sông Gâm thiếu hụt 20 - 30%.
Từ tháng 4 - 6/2024, khả năng nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng tập trung cường độ tăng dần, gay gắt; nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ, thiếu nước tại các địa phương, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Trước tác động của BĐKH và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một vài cơn mưa nhưng lượng nước không đáng kể. Trong khi đó lượng nước tích trữ tại các lòng hồ hiện đang xuống thấp, nhiều nơi ở mức báo động.
Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Cao Bằng, trong số 19 hồ đơn vị quản lý có 7 hồ mực nước xuống thấp, còn dưới 50% dung tích thiết kế, như: Thôm Luông chỉ còn 10%, Thôm Cải 20%, Nà Lái 24%, Nà Tấu, Thôm Rảo 21%, Khuổi Áng 38%, Phja Gào 32%.
Để điều tiết nước tưới cho sản xuất, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông lên kế hoạch vận hành, khai thác các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phối hợp với các địa phương ra quân nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương dẫn nước; quản lý, bảo dưỡng máy móc thiết bị đảm bảo yêu cầu chống hạn.
Đối với các công trình hồ chứa, đơn vị chủ động tích nước, khi lượng nước thấp hơn cửa cống sẽ dùng máy bơm dầu chống hạn bơm nước từ trong hồ ra cống lấy nước dẫn về hệ thống các kênh chính.
Đắp đập, ngăn sông dâng nước vào bể hút các công trình trạm bơm; đắp đập dâng nước vào cống đầu kênh các công trình đập dâng. Sớm đưa ra cảnh báo đối với những diện tích không đảm bảo tưới để các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Trạm thủy nông Hòa An được giao khai thác và vận hành 20 công trình thủy lợi, gồm: 7 hồ chứa, 6 trạm bơm điện, 7 đập dâng trên địa bàn Thành phố, Hòa An, Trùng Khánh, Nguyên Bình và nhận đặt hàng khai thác 2 trạm bơm điện với UBND xã Hồng Việt (Hòa An) và UBND xã Cao Chương (Trùng Khánh).
Ông Nông Văn Khởi, Trưởng Trạm thủy nông huyện Hòa An cho biết: Để phục vụ nước sản xuất cho hơn 3.800 ha đất lúa 2 vụ thuộc địa bàn quản lý, từ năm 2023 đến nay, Trạm tham mưu Công ty bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa kênh B và hệ thống kênh nhánh hồ Khuổi Lái; đầu mối phai Vằng, kênh nhánh Phai Thin, kênh B hồ Phja Gào, xã Đức Long… Sửa chữa, gia cố đập rọ đá trạm bơm Pác Gậy, xã Hồng Việt.
Chủ động sửa chữa, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống thiết bị, máy bơm và các thiết bị điều tiết nước trên kênh trước vụ sản xuất; đắp đập ngăn sông tại các trạm bơm; nạo vét, vệ sinh toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng… Nhờ điều tiết và vận hành tốt các công trình thủy nông, đến nay, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được Trạm đảm bảo nước tưới.
Vụ xuân 2024, thị trấn Nước Hai (Hòa An) trồng 350 ha lúa, 90 ha thuốc lá, hơn 137 ha ngô, 17 ha rau màu; chuyển đổi 15 ha đất trồng lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây khác để đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nước Hai Nông Thị Diệp, để chủ động nước tưới cho sản xuất trong điều kiện khô hạn, thị trấn phối hợp với đơn vị cung cấp lên kế hoạch điều tiết nước phù hợp; tổ chức ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; gia cố kênh mương bị xuống cấp và đề xuất sửa chữa kịp thời những tuyến kênh mương rò rỉ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần chủ động, ứng phó với thời tiết cực đoan để bảo vệ cây trồng; khuyến cáo người dân tích cực thăm đồng, tuân thủ lịch xả nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Vụ xuân, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng hơn 45.000 ha cây trồng các loại. Đến nay, các địa phương gieo cấy 2.476,5 ha lúa, bằng 65% kế hoạch; trồng 22.207,6 ha ngô, bằng 87% kế hoạch; 292,3 ha đỗ tương, bằng 56% kế hoạch; hơn 4.600 ha thuốc lá…
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết với nhiều yếu tố cực đoan, nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, huyện, Thành phố, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông và các công ty thủy điện chủ động tổ chức, triển khai công tác ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong những tháng cao điểm mùa khô.
Ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền các cấp theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang trồng cây phù hợp. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá nguồn nước tại các địa phương, điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp…
Cùng với chống hạn, công tác phòng tránh, ứng phó bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong sản xuất nông nghiệp cần tiếp tục được tăng cường. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông tiếp tục đôn đốc các trạm thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, rà soát hồ chứa, công trình thủy lợi nhằm phát hiện xử lý, khắc phục ngay những hạng mục hư hỏng gây mất an toàn. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các vùng hạ du hồ chứa nước có nguy cơ ngập lụt, xây dựng phương án ứng phó phòng khi có sự cố xảy ra.
Có biện pháp cụ thể với các hồ chứa đang có sự cố, nguy cơ mất an toàn, xây dựng phương án tích nước hợp lý. Khi phát hiện các công trình có diễn biến bất thường, khả năng mất an toàn cần báo cáo ngay cấp có thẩm quyền phương án xử lý kịp thời. Chỉ đạo các trạm thường xuyên theo dõi tình trạng các hạng mục hồ chứa, khi có mưa, lũ; cử cán bộ thường trực tại công trình, kiểm tra phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có sự cố…