Chỉ trong vòng hơn 10 phút, khoảng 1,6 triệu khối gồm bùn, đất, đá lớn từ núi Con Voi quét qua thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), cuốn phăng và nhấn chìm 37 ngôi nhà, trở thành thảm hoạ có quy mô lớn nhất, hậu quả đau lòng nhất lịch sử do lũ bùn đá gây ra. Chuyên gia khuyến cáo nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc có thể tái diễn những thảm họa như thế.
Thảm hoạ lũ quét Làng Nủ có thể xảy ra nhiều nơi
Sau thảm hoạ ở Làng Nủ, PGSTS Nguyễn Châu Lân, Trường Đại học Giao thông vận tải và TS Đỗ Tuấn Nghĩa, Trường Đại học Thuỷ Lợi cùng nhiều nhà khoa học có mặt ở hiện trường để tìm nơi tái định cư tạm thời cho những người may mắn sống sót, đồng thời tìm nguyên nhân của sự cố kinh hoàng này.
Lũ bùn đá nhấn chìm Làng Nủ, thảm họa nặng nề nhất do lũ bùn đá gây ra tại Việt NamẢnh: Hân Nguyễn |
Theo PGS. Lân, khu vực xảy ra lũ bùn đá ở Làng Nủ gánh chịu lượng mưa rất lớn trong thời gian ngắn. Trung bình mỗi giờ, khu vực này mưa tới 57mm, tổng lượng mưa tích luỹ 3 ngày lên tới 633mm, bằng 1/4 lượng mưa trung bình của tỉnh Lào Cai trong vòng một năm. Trên điều kiện địa chất đá phiến phong hoá mạnh và tầng phong hoá dày cùng nhiều yếu tố nguy cơ khác, kết hợp mưa lớn cực đoan đã khiến thảm hoạ xảy ra rất nhanh với mức độ tàn phá khủng khiếp.
Nhóm nghiên cứu của PGS Lân tính toán, một khối lượng đất đá lên tới 1,6 triệu mét khối từ núi Con Voi đổ xuống với tốc độ rất nhanh, thời điểm tràn xuống nhanh nhất lên tới 20m/s nên chỉ trong khoảng 10-15 phút, dòng thác bùn đá khổng lồ đã tràn xuống Làng Nủ, bao phủ một diện tích lên tới 38ha.
Thảm họa đã nhấn chìm 37 ngôi nhà trong dòng lũ bùn đá với độ sâu tới 8-15m, nơi sâu nhất bị phủ tới 18m, chiều dài của dòng lũ bùn đá lên tới 3,6km.
Theo PGS Lân, những năm qua, một số khu vực nước ta cũng ghi nhận loại hình thiên tai này như tại Trà Leng (Quảng Nam), Sa Pa (Lào Cai) nhưng chưa có một trận lũ bùn đá nào có mức tàn phá nghiêm trọng và hậu quả kinh hoàng như ở Làng Nủ. Tính đến chiều 26/9, trận lũ bùn đá này khiến 57 người chết, 10 người mất tích, phá huỷ gần như toàn bộ thôn.
PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Trường Đại học Giao thông vận tải |
Vị chuyên gia chia sẻ, từ câu chuyện đau thương ở Làng Nủ cũng như thực tế lũ bùn đá ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, có thể thấy, với lượng mưa trên 40mm/h và lượng mưa tích luỹ lên đến 250mm có thể xảy ra trượt lở/lũ bùn đá. Vì vậy, nhóm các nhà khoa học kiến nghị việc cảnh báo ngưỡng mưa cần được xem xét.
PGS Lân khuyến cáo, không chỉ tại Lào Cai, nhiều địa phương ở vùng núi phía Bắc cũng đang đối mặt với nguy cơ trượt lở/lũ bùn đá. Ông kiến nghị trước mắt cần xác định khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để tìm cách phòng tránh an toàn. Đối với các khu vực đã hình thành vết nứt cần sử dụng ngay các giải pháp công trình như che phủ bạt để không cho nước ngấm vào khe nứt, đào hệ thống rãnh đỉnh thoát nước hoặc thoát nước ngang khu vực mái dốc.
Tuy nhiên, theo PGS Lân, đây là những giải pháp mang tính tình thế. Việc quan trọng hơn là các giải pháp căn cứ, đảm bảo an toàn cho người dân.
Chọn nơi định cư an toàn
GS.TS Đỗ Minh Đức, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội chia sẻ thực tế, Làng Nủ không phải hiện tượng cá biệt, nhiều khu vực ở vùng núi nước ta có điều kiện địa hình, địa chất và đặc điểm phân bố dân cư tương tự. Với đặc điểm địa chất phong hoá mạnh kết hợp với mưa lớn cực đoan, rất nhiều nơi có nguy cơ lớn về trượt lở/lũ bùn đá.
Theo GS. Đức, hiện tượng trượt lở/lũ bùn đá từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, thể hiện rất rõ qua những dòng suối uốn cong nhiều lần. Những khu vực làng bản sống ở những vùng đất thấp, gần những nơi có suối uốn cong có nguy cơ cao. “Khi chúng tôi đi khảo sát thực tế ở Làng Nủ nhận thấy gần đó có những thôn bản xuất hiện nguy cơ tương tự. Việc tái định cư an toàn cần thực hiện ở cả những thôn bản này”, GS. Đức đề xuất.
PGS.TS Nguyễn Châu Lân nhấn mạnh việc xác định vị trí an toàn để bà con định cư là rất quan trọng. Ngay tại Làng Nủ, khi thảm hoạ xảy ra vẫn có những ngôi nhà an toàn do xây dựng ở vị trí khá cao. Nhiều thảm hoạ lũ bùn đá khác từng xảy ra nhưng thiệt hại được giảm thiểu do vị trí xây dựng nhà dân.
Theo PGS. Lân, việc tìm ra các vị trí an toàn cho người dân là rất khó khăn do vừa đảm bảo yếu tố an toàn, đồng thời phải đảm bảo canh tác gần những con suối. Tại thôn bản có nguy cơ cao có thể xây dựng một nhà an toàn cho người dân để khi xuất hiện nguy cơ, người dân có thể lánh nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại.