Đơn vị:

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: "Không chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai"

Bùi Việt

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã khiến 14 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 399 tỷ đồng. Trước đó trong năm 2023, cả nước đã ghi nhận 1.964 trận thiên tai khiến 169 người chết và mất tích, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng…

mua-da-1715500576.jpg
 

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2024.

pho-thu-tuong-1715324108019-1715409773-1715500576.jpeg
 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ghi nhận rét đậm, rét hại liên tiếp.

Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hứng chịu hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nhiều tháng; sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là tại Cà Mau.

Cũng trong những tháng đã qua của năm 2024, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ liên tiếp xảy ra mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá. Nắng nóng vượt lịch sử ghi nhận tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước; động đất xuất hiện với tần suất ngày một dày đặc tại các tỉnh, TP: Kon Tum, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, thậm chí cả Hà Nội…

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dông lốc, nắng nóng làm 14 người chết, mất tích; thiệt hại về vật chất ước tính hơn 399 tỷ đồng. Trước đó trong năm 2023, cả nước đã ghi nhận 1.964 trận thiên tai khiến 169 người chết và mất tích, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng…

Dự báo về tình hình thiên tai, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7 - 8. Ở khu vực Trung Bộ, khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài từ nay đến tháng 8.

Năm nay, dự báo có khoảng 11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9 đến tháng 11). Trên phạm vi cả nước còn tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh từ nay tới cuối năm.

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai chỉ ra một số tồn tại, nhất là nhận thức, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân và khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn hạn chế...

Để giảm tổn thất về người và tài sản trước thiên tai trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hành động sớm, chủ động trước mọi tình huống, tuyệt đối không chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

a1-1715500576.jpg
 

Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các bộ, các cấp ở địa phương.

“Các bộ, ngành phối hợp sớm xây dựng nghị định thi hành Luật Phòng thủ dân sự trên tinh thần cái nào đã rõ thì đưa vào nghị định, còn chưa rõ thì đưa vào thông tư, hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai công tác phòng, chống thiên tai đồng bộ ở cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai.

Đối với công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương cần duy trì nghiêm chế độ trực, nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả; tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập; đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn…