Nhận định mùa hè 2024 sẽ điên rồ nhất trong lịch sử thời tiết của châu Á

Có thể thấy, mùa hè năm nay, tình hình thời tiết biến đổi "dị' một cách bất thường. Nắng nóng gay gắt mùa hè tấn công châu Á sớm hơn mọi năm, khiến hàng chục người thiệt mạng ở khắp các quốc gia châu Á . Chuyên gia gọi đây là "sự kiện khắc nghiệt nhất" trong lịch sử khí hậu.

nang-nong-2-1714798925.jpg
 

Mới đầu năm 2024, vẫn đang là mùa xuân nhưng hàng trăm triệu người trên khắp Nam và Đông Nam Á đã phải đối mặt với nhiệt độ nóng như thiêu đốt. Cái nóng mùa hè đến quá sớm, lập kỷ lục và thậm chí cướp đi nhiều sinh mạng ở vùng đất này. Chưa dừng lại ở đó, mùa hè năm nay được dự báo còn tồi tệ hơn nhiều trong suốt tháng 5 và tháng 6, theo CBS News.

Vào đầu tháng 5, các đợt nắng nóng gay gắt gây ra hàng chục ca tử vong trên khắp khu vực. Hàng nghìn trường học đã buộc phải đóng cửa nhiều tuần trước kỳ nghỉ hè.

Các nhà khoa học cảnh báo về những tác động trên diện rộng ở một số khu vực đông dân nhất thế giới, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước hành động ngay lập tức để chuẩn bị cho tác động của biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.

Chuyện gì đang xảy ra?

Một số vùng ở Ấn Độ đã ghi nhận nhiệt độ tối đa trên 43 độ C vào tháng trước. Ngày 21/4, người dân ở thành phố phía đông Bhagdora còn phải chịu cái nóng lên đến 46 độ C.

Hôm 29/4, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đưa ra "báo động đỏ" cho các bang miền Đông và miền Nam Andhra Pradesh, Bihar, Tây Bengal và Odisha, nơi nhiệt độ đã tăng vọt kể từ giữa tháng 4. IMD cảnh báo đợt nắng nóng có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa trong thời gian tới.

Ít nhất hai người tử vong ở bang miền Nam Kerala do nghi ngờ bị say nắng cuối tuần qua. Hai cái chết khác được cho là do nắng nóng ở bang Odisha hồi đầu tháng 4.

Chính quyền ở nước láng giềng Bangladesh đã buộc phải đóng cửa tất cả trường học hai lần trong hai tuần qua do nắng nóng và nhiệt độ tăng vọt lên gần 43 độ C.

Một số khu vực ở Myanmar đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục hơn 40 độ C. Cảm nhận về nhiệt độ thực tế - có tính đến độ ẩm, tốc độ gió và các yếu tố khác - còn có thể lớn hơn.

nang-nong-ky-luc-1714798924.jpg
 

Tại Philippines, hàng nghìn trường học đóng cửa khi nhiều khu vực rộng lớn của đất nước trải qua hạn hán và nhiệt độ lên tới 44 độ C hồi đầu tháng 4.

Còn ở Thái Lan, chính phủ đã kêu gọi người dân ở trong nhà khi có thể, sau khi 30 trường hợp tử vong được cho là do say nắng trong năm nay. Tại Bangkok, nhà chức trách cho biết chỉ số nhiệt hôm 2/5 là "cực kỳ nguy hiểm".

Nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào tuần trước: "Hàng nghìn kỷ lục đang bị phá hủy trên khắp châu Á, đây là sự kiện khắc nghiệt nhất trong lịch sử khí hậu thế giới".

Nguyên nhân thực sự là gì?

Các nhà khoa học có quan điểm khác nhau về tác động của hiện tượng thời tiết El Nino đang diễn ra, nhưng nhiều người tin rằng sự nóng lên tạm thời ở trung tâm Thái Bình Dương đã làm thay đổi các kiểu thời tiết trên toàn thế giới trong nhiều năm. Điều này đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong mùa hè năm nay ở Nam và Đông Nam Á.

Giáo sư Raghu Murtugudde, nhà khoa học khí hậu tại Viện Công nghệ Ấn Độ Mumbai, nói: "Tôi nghĩ đó là sự kết hợp giữa El Nino, hiện tượng nóng lên toàn cầu và tính thời vụ. El Nino đang chuyển thành La Nina. Đây là thời điểm mà sự nóng lên tối đa xảy ra ở Ấn Độ Dương".

Murtugudde lưu ý rằng hiện tượng El Nino đã được hình thành từ tháng 3/2023 nên các đợt nắng nóng năm ngoái cũng là do sự kết hợp giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu, El Nino và chu kỳ hàng năm, nhưng ông cho biết năm nay còn tồi tệ hơn do sự dịch chuyển sang La Nina.

El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương. La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường.

Tuy nhiên, không phải tất cả nhà khoa học khí hậu đều đồng ý về tác động của El Nino.

chau-a-do-mo-hoi-vi-nang-nong-20230524144043-1714798925.jpg
 

Giáo sư Krishna AchutaRao, nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Khí quyển của Viện Công nghệ Ấn Độ, Delhi, cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến ​​các đợt nắng nóng vào năm ngoái và nguyên nhân không phải do El Nino".

Năm ngoái, các đợt nắng nóng nghiêm trọng đã giết chết hơn 100 người chỉ riêng ở Ấn Độ và Pakistan trong tháng 4 và tháng 5, một lần nữa phá hủy mùa màng và ảnh hưởng đến hàng triệu người.

trung-quoc-1714798924.jpg
 

"Giống như năm nay, năm ngoái đợt nắng nóng kéo dài từ các vùng của Ấn Độ đến Bangladesh và Myanmar, rồi đến tận Thái Lan. Năm nay nó lan xa hơn về phía đông, đến Philippines. Tôi không tin El Nino là nguyên nhân", AchutaRao nói.

Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính gây ra đợt nắng nóng tàn khốc đang tấn công châu Á.

AchutaRao, cùng với các nhà khoa học khác làm việc với tổ chức World Weather Attribution, đã tổng hợp và phân tích dữ liệu về các đợt nắng nóng năm ngoái trong khu vực và hàng chục thảm họa thiên nhiên xảy ra ở Lào và Thái Lan. Nhóm nghiên cứu "kết luận rằng những sự kiện thời tiết khắc nghiệt như thế không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu".

Ko Barrett, Phó Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho biết vào tháng trước: "Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện như vậy, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống".

Ai gánh chịu thiệt hại nhiều nhất?

Murtugudde nói rằng trên khắp thế giới, các quốc gia đã cố gắng quản lý tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan thông qua những hệ thống cảnh báo và tư vấn sớm, nhưng dân số nghèo và đông đảo ở châu Á sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề của các đợt nắng nóng.

kha-nang-chiu-nong1-1714798924.jpg
 

Nắng nóng có thể tiếp tục gây thiệt hại mùa màng trên diện rộng, ảnh hưởng hơn nữa đến cuộc sống của những người nông dân vốn đang phải đối mặt với thách thức gia tăng trong những năm gần đây.

Nhiều nơi hạn chế hoạt động ngoài trời nhằm ngăn ngừa tử vong trong các đợt nắng nóng cực độ, vốn có tác động quá lớn đến người lao động chân tay trong lĩnh vực xây dựng - một phần rất lớn của các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở châu Á.

Giới khoa học và nhà hoạt động môi trường trên toàn cầu đã liên tục kêu gọi các quốc gia cắt giảm khí thải nhà kính, cảnh báo đây là cách duy nhất để làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu. Cho đến khi điều đó xảy ra, các chuyên gia lo ngại số người chết sẽ tiếp tục tăng và hàng triệu người sẽ phải đối mặt với quyết định thảm khốc trong mỗi đợt nắng nóng: Làm việc trong điều kiện nguy hiểm hoặc đi ngủ với cái bụng đói.

Link nội dung: http://thoitiet360.org/index.php/nhan-dinh-mua-he-2024-se-dien-ro-nhat-trong-lich-su-thoi-tiet-cua-chau-a-a5214.html