Vào rạng sáng 19/5, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện cột sáng lạ. Hình ảnh (những) cột sáng như vậy cũng từng được ghi lại ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí gần đây có đến 9 cột sáng trên bầu trời một thành phố ở Nhật Bản. Vậy hiện tượng đó là gì và hiện tượng này được giải thích thế nào?
Hình ảnh cột sáng xuất hiện trên bầu trời Hà Nội vào rạng sáng 19/5 đã được nhiều người dân ghi lại và chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng đồn đoán về hiện tượng lạ này và gọi đó là “gậy Tề Thiên”, “đường kết nối tới vũ trụ song song”…
Hình ảnh cột sáng trên bầu trời ở Hà Nội vào rạng sáng 19/5. Ảnh: Hà Nội 24h. |
Thực tế, hình ảnh những cột sáng gần giống y như ở Hà Nội hoặc hình ảnh những "phiên bản" cột sáng tương tự trên bầu trời cũng từng được ghi lại ở một số nơi như thành phố North Platte (bang Nebraska, Mỹ), Elkins (bang West Virginia, Mỹ)…
Mới đây, vào ngày 11/5, có đến 9 cột sáng xuất hiện trên bầu trời đêm ở thành phố Daisen (tỉnh Tottori, Nhật Bản), được người dân ở đây miêu tả là trông như những “thanh kiếm ánh sáng” trong phim khoa học viễn tưởng.
Vậy những cột sáng này là gì?
Theo trang Science ABC, đó là hiện tượng quang học xảy ra trong bầu khí quyển có nhiệt độ thấp và có các tinh thể băng dạng phẳng hình thành ở những độ cao khác nhau (trong bầu khí quyển). Để nói về cách di chuyển và hoạt động của những tinh thể này thì hơi phức tạp nhưng về cơ bản là chúng phản chiếu ánh sáng tự nhiên và nhân tạo.
Ánh sáng bị phản chiếu kéo dài thành dạng cột, có thể cao tít lên bầu trời. Những cột sáng này có thể có nhiều màu sắc khác nhau, tùy vào màu của nguồn sáng mà chúng phản chiếu. Các tinh thể càng lớn và càng dày đặc thì hiệu ứng này càng rõ. Ngoài ra, các tinh thể ở càng cao trong bầu khí quyển thì cột sáng trông càng cao - phát ngôn viên của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) nói với trang CNN.
Các nguồn sáng liên quan đến hiện tượng này có thể là những nguồn sáng trên mặt đất, đèn đường, thậm chí ánh Mặt Trời hoặc Mặt Trăng.
Nhưng để một cột sáng có thể hình thành thì bầu khí quyển phải tĩnh lặng, không có gió. Vì mặc dù gió không liên quan trực tiếp đến hiện tượng này nhưng dễ làm gián đoạn sự phản chiếu ánh sáng.
Những cột sáng như trên không thực sự tồn tại mà chỉ là ảo ảnh do có các tinh thể phản chiếu ánh sáng. Tuy nhiên, chỉ những tinh thể băng sắp xếp theo một kiểu nhất định, trong những điều kiện khí quyển nhất định mới tạo ra hình ảnh những cột sáng, theo trang AccuWeather. Cho nên hiện tượng này rất hiếm.
9 cột sáng ở Nhật Bản mới đây. Ảnh: X. |
Trong trường hợp 9 cột sáng ở Nhật Bản, trang Japan Today giải thích, nguồn sáng là những chiếc đèn được đặt trên các tàu đánh cá để thu hút cá. Vào buổi đêm, khi nhiệt độ trong bầu khí quyển giảm xuống, các tinh thể băng hình thành ở trên cao, cộng với các điều kiện khác cũng phù hợp và không có mưa thì các tinh thể phản chiếu ánh sáng tạo thành những cột sáng.
Như vậy, hình ảnh cột sáng trên bầu trời ở Hà Nội cũng có thể được giải thích theo cách như trên chứ không phải là một điều bí ẩn, càng không liên quan đến “người hành tinh khác” nào cả.