Biến đổi khí hậu gây khó khăn cho nỗ lực loại bỏ cây thuốc phiện tại Afghanistan

Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng khô hạn khiến việc khuyến khích nông dân tại Afghanistan chuyển đổi từ trồng thuốc phiện sang các loại cây trồng thay thế khác gặp khó khăn.

9882-1719308378-pha-huy-cay-thuoc-phien-1719364720.jpg
 

Hai năm sau khi chính quyền Taliban cấm trồng cây thuốc phiện, nông dân Afghanistan đã chuyển sang trồng các loại cây thay thế nhưng biến đổi khí hậu đã khiến nỗ lực loại bỏ cây thuốc phiện gặp khó khăn.

Trong nhiều thập kỷ, nông dân ở miền Nam Afghanistan dựa vào cây thuốc phiện để kiếm sống trong vùng sa mạc khô cằn. Ngay cả khi hạn hán kéo dài khiến các dòng sông khô cạn và biến những cánh đồng trở nên nứt nẻ, cây anh túc vẫn phát triển mạnh mẽ.

Sau khi nắm quyền ở Afghanistan ba năm trước, Taliban đã cấm thuốc phiện. Nhưng những người nông dân cho biết họ không thể kiếm sống bằng cây trồng thay thế điển hình như lúa mì và bông, những mặt hàng đã giảm giá do nguồn cung tràn ngập thị trường.

Một số loại cây khác từng được trồng như cà tím, lựu và mơ đã trở nên khó chăm sóc và thậm chí không thể trồng trọt do điều kiện khắc nghiệt bởi biến đổi khí hậu.

9882-1719308513-nong-dan-1719364720.jpg
 

Một số nông dân đang từ bỏ việc canh tác trong khi những người khác đang cân nhắc quay trở lại trồng thuốc phiện.

Nếu chính quyền Taliban không thực hiện thành công quá trình chuyển đổi từ cây anh túc sang các loại cây trồng khác, tác động có thể vượt ra ngoài biên giới Afghanistan.

Theo Liên hợp quốc, Afghanistan là nước xuất khẩu thuốc phiện lớn nhất thế giới trước khi Taliban tiếp quản, chiếm hơn 80% nguồn cung toàn cầu.

Nhiệt độ tăng đột ngột

Sự sụt giảm nguồn thu từ canh tác nông nghiệp đặc biệt rõ rệt ở miền Nam Afghanistan, nơi khoảng 2/3 số cây thuốc phiện của nước này được trồng trước lệnh cấm.

Trong khi nhiệt độ trung bình hàng năm ở Afghanistan đã tăng tới 1,8 độ C nửa thế kỷ qua, gấp đôi mức tăng trung bình toàn cầu, xu hướng này thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở miền Nam, nơi nhiệt độ tăng tới 2,4 độ C.

Nhiều loại cây cây ăn trái ở Afghanistan từng có khả năng chống chịu các đợt nắng nóng nhờ bộ rễ sâu. Nhưng mực nước ngầm ở lưu vực sông Helmand đã giảm trung bình 2,6m từ năm 2003 đến năm 2021.

Nhiều mô hình khí hậu dự đoán tình trạng sẽ ngày càng tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới. Lượng mưa vào mùa Đông, đặc biệt quan trọng đối với nông dân, sẽ giảm đáng kể ở miền Nam.

Mưa giúp cuốn trôi muối khỏi ruộng, nhưng hạn hán kéo dài trong những năm gần đây đã khiến độ mặn trong đất tăng cao.

Đất trở nên mặn đến mức nông dân chỉ có thể trồng lúa mỳ và lúa mạch, những loại cây có khả năng chịu mặn tương đối nhưng chỉ đem lại thu nhập ít ỏi.

Một số nông dân tìm cách vận chuyển nước ngọt để rửa sạch muối, sau đó trồng lựu với hy vọng đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Tuy vậy, điều này cũng không đem lại triển vọng sáng sủa.

Tại một trang trại thử nghiệm ở Kandahar, chính quyền Afghanistan đã bắt đầu thử nghiệm khả năng chịu nhiệt của cây lựu từ cách đây nhiều năm.

Cây lựu được xem là lựa chọn thay thế phù hợp vì rễ sâu nên không dễ bị khô hạn nhưng vẫn kém phát triển ở những vùng sa mạc có độ mặn cao.

Thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng

Năm ngoái, hình ảnh vệ tinh cho thấy sản lượng thuốc phiện đã giảm 99,9% ở Helmand và gần 90% ở Kandahar, nơi từng là trung tâm trồng thuốc phiện.

Nhưng tại các tỉnh phía Nam Afghanistan, các quan chức đang lo ngại về lượng lúa mỳ và bông ​​sẽ tung ra thị trường. Ngay cả trước vụ thu hoạch, tình trạng dư thừa khiến giá bị đẩy xuống thấp.

Haji Wazir, 55 tuổi, một nông dân, cho biết: “Khi trồng cây anh túc, việc đó mang lại lợi nhuận gấp 5 lần và dễ dàng hơn nhiều. Bây giờ, chúng tôi thậm chí không thể trang trải chi phí cho cuộc sống.”

Dấu hiệu bất mãn với lệnh cấm cũng đang gia tăng ở những nơi khác tại Afghanistan. Tháng trước, các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa dân làng trồng thuốc phiện và lực lượng an ninh.

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm, việc trồng cây thuốc phiện ở tỉnh Badakhshan chỉ giảm khoảng 56% từ năm 2021 đến năm ngoái.

Tìm kiếm giải pháp thay thế

Hayatullah Rohani, người đứng đầu cơ quan phòng chống ma túy ở Herat, thành phố lớn thứ hai của Afghanistan, cho biết ông hy vọng công nghiệp hóa có thể thay thế nguồn thu từ việc trồng thuốc phiện.

9882-1719308546-bao-tai-bong-1719364720.jpg
 

Herat là một trung tâm công nghiệp và Rohani muốn xây dựng thêm hàng trăm nhà máy tại đây.

Các quan chức Afghanistan ước tính hơn 10% dân số sử dụng ma túy khi Taliban lên nắm quyền cách đây 3 năm.

Mặc dù không có số liệu gần đây nhưng dường như còn rất ít người sử dụng ma túy trên đường phố Kabul, Herat và các thành phố khác. Hàng ngàn người bị buộc phải vào các trung tâm phục hồi chức năng.

Quan chức này háo hức nói về cách những người đàn ông ở trung tâm được dạy sửa chữa thiết bị nhà máy và điện thoại di động để chuẩn bị cho quá trình công nghiệp hóa.

Link nội dung: http://thoitiet360.org/index.php/bien-doi-khi-hau-gay-kho-khan-cho-no-luc-loai-bo-cay-thuoc-phien-tai-afghanistan-a5672.html