Sau khi vào Biển Đông, bão Trami (Trà Mi) có đường đi rất phức tạp, đến mức các mô hình dự báo tới giờ vẫn chưa đi đến thống nhất là bão Trami có vào nước ta không. Thậm chí, nhiều mô hình đang cho rằng bão sẽ đến sát bờ biển phía Đông nước ta (bờ biển ở miền Trung) rồi đứng yên tại chỗ. Cụ thể là có những khả năng nào?
Có lẽ bão Trami (Trà Mi, và nước ta sẽ gọi là bão số 6 khi nó đi vào Biển Đông) là cơn bão mà các mô hình của các cơ quan khí tượng lớn khó tìm được điểm chung nhất trong mùa bão năm nay. Hay nói cách khác, Trami đang là cơn bão thuộc loại khó dự báo nhất.
Người dân đứng trên mái nhà để tránh nước lụt do bão Trami (ở Philippines gọi là bão Kristine) tại tỉnh Albay (Philippines) vào hôm nay, 23/10. Ảnh: Lực lượng phòng vệ biển Philippines/ AP. |
Kể từ khi bão Trami hình thành đến hôm nay, 23/10, một số mô hình nổi tiếng nhất, bao gồm của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), cơ quan khí tượng Philippines (PAGASA), vẫn chỉ đưa ra đường đi dự báo của bão cho tới khi nó đến gần bờ biển miền Trung nước ta, vào khoảng 27/10 hoặc 28/10. Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia của nước ta cũng tương tự.
Dự báo của JTWC. Ảnh: Zoom Earth, JMA, JTWC. |
Đường đi dự báo của bão Trami dừng lại ở điểm này, không có dự báo bão đổ bộ, hay suy yếu, hay tan như với dự báo của các cơn bão khác. Mà không thể có chuyện một cơn bão đi đến đây bỗng nhiên lập tức biến mất.
Dự báo của JMA. Ảnh: JMA. |
Có thể các dự báo thể hiện như trên do mức độ chưa chắc chắn về cơn bão này rất cao, bởi nó chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm gió, khi đến gần bờ biển nước ta.
Dự báo trong bản tin chiều 23/10 của PAGASA. Ảnh: PAGASA. |
Theo thông tin của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ, các mô hình có sự khác biệt đáng kể. Nhiều mô hình chỉ ra một điều khá lạ là bão Trami sẽ đứng yên ở vùng biển phía Đông nước ta trong khi vẫn duy trì cường độ của một cơn bão; chỉ có duy nhất mô hình GFS (Hệ thống Dự báo Toàn cầu) của Mỹ là cho rằng bão sẽ tan dần khi đi vào miền Trung nước ta.
Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia của nước ta. Ảnh: KTTV. |
Tuy nhiên, mô hình của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (UKM) và của Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF) lại nhận định, bão Trami khi đến sát bờ biển miền Trung nước ta sẽ đổi hướng, vòng ngược ra biển, rồi đi lòng vòng trên biển và có thể sẽ vòng lại nước ta lần nữa, cường độ chưa biết thay đổi thế nào.
Dự báo của ECMWF là bão Trami sẽ đi rất lòng vòng. Ảnh: Windy. |
Dù sao, việc một cơn bão không đổ bộ mà đứng yên ở gần bờ biển hoặc đi lòng vòng ở vùng biển gần nước ta cũng là rất đáng chú ý, vì bão mà đứng yên thì nó càng có nhiều thời gian để trút mưa xuống. Vì vậy, từ khoảng ngày 26/10 hoặc 27/10, ở nhiều tỉnh thành miền Trung có thể có một đợt mưa lớn, kéo dài vài ngày (tùy diễn biến của bão), nên người dân lưu ý thường xuyên theo dõi thông báo của các cơ quan chức năng địa phương.
Link nội dung: http://thoitiet360.org/index.php/bao-trami-di-chuyen-rat-phuc-tap-co-the-se-dung-yen-o-gan-bo-bien-mien-trung-a6850.html