Đơn vị:

Thái Nguyên: Lũ sông Cầu lớn chưa từng có trong vòng 65 năm trở lại đây, di dời hơn 2.200 hộ dân

Bùi Việt

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, mực nước lũ ngày 9/9 đã cao hơn so với cơn lũ lịch sử năm 1959.

luc-cuon-nguoi-24jpg-1707-8043-1725888766.jpg
 

Cập nhật mới nhất về lũ trên sông Cầu do ảnh hưởng mưa bão số 3, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên cho biết, trưa ngày 9/9, mực lũ trên sông Cầu đo tại Trạm thủy văn Gia Bẩy đã cao hơn 12 cm so với cơn lũ lịch sử năm 1959.

Tại TP. Thái Nguyên, từ 15h chiều ngày 8/9 mưa đã giảm dần và tạnh hẳn, tạo thuận lợi cho công tác chỉ huy và triển khai các biện pháp ứng phó với lũ lụt, sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, nước lũ trên sông Cầu tiếp tục lên chậm do hiện nay nước ở khu vực thượng nguồn đổ về (khu vực tỉnh Bắc Kạn và các huyện vùng núi của tỉnh Thái Nguyên).

img-824569254a78-1-1229-1725888766.jpg
 

Khoảng 3.000 hộ dân thuộc 22 phường, xã đã bị ngập úng; gần 600 hộ phải di dời người và tài sản. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tập trung toàn bộ phương án "4 tại chỗ" nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.

Tại khu vực chân cầu Bến Tượng thuộc địa bàn phường Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên, tại thời điểm 15h ngày 9/9, mực nước dâng cao gây ngập tuyến đường Quốc lộ 1B, chia cắt toàn bộ khu vực dân cư phía bên kia chân cầu.

Nhiều người muốn tiếp tế nhu yếu phẩm cho người thân trong vùng bị ngập, nhưng do diễn biến nước lũ vẫn phức tạp khó lường, nên lực lượng chức năng kiên quyết không cho di chuyển, chỉ những người làm nhiệm vụ trực tiếp mới được vào khu vực nước ngập.

img-14d94627d622-1-1233-1725888766.jpg
 

rước đó, vào sáng 9/9, đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra các khu vực ngập lụt tại địa bàn TP. Thái Nguyên để chỉ đạo công tác ứng phó.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thường xuyên ứng trực lực lượng để hỗ trợ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo lên C-ThaiNguyen (chính quyền số của tỉnh) với tần suất 1 tiếng/bản tin, nhắn tin cho toàn dân trên địa bàn tỉnh biết diễn biến của mưa lũ, chủ động các biện pháp ứng phó.

img-cb2d5a3be52c-1-1232-1725888767.jpg
 

Theo báo cáo ban đầu, hiện nay lũ gây ngập úng cục bộ, chia cắt một số khu vực trên địa bàn TP. Thái Nguyên, Phổ Yên….

Về nhà ở, toàn tỉnh hiện đã có hơn 2.000 hộ phải di dời khẩn cấp; 206 nhà bị tốc mái; 21 điểm trường bị ảnh hưởng; 1 nhà văn hóa bị hư hỏng.

Về nông nghiệp, khoảng 3.512,7 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 70,5 ha cây lâm nghiệp; 4ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.

Về chăn nuôi, phải di dời nhiều vật nuôi, chuồng trại bị tốc mái, hư hỏng. Về giao thông 31 điểm sạt lở; gãy đổ 6 cột treo cáp và một số thiết bị đầu cuối bị hư hỏng. Ngập úng cũng gây hư hỏng nhiều tài sản của các hộ dân.

img-857b213a2a4a-1-1231-1725888767.jpg
 

Trước những thiệt hại ban đầu do lũ gây ra, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, sử dụng nguồn lực của tỉnh để kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

w-luc-cuon-nguoi-1jpg-8044-1725888766.jpg
 

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động và kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó tương đối tốt với diễn biến của bão, lũ.