Đơn vị:

Thời tiết Lào Cai: Sông Hồng xuất hiện lũ lớn hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây

Bùi Việt

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, lũ trên sông Hồng hiện vẫn tiếp tục dâng cao, dự báo đỉnh lũ lớn nhất khả năng lên tới 84,50-85,00m...

lu-sh3-1725852671.jpg
 

Lũ trên sông Hồng hiện vẫn tiếp tục dâng cao, dự báo đỉnh lũ lớn nhất khả năng lên tới 84,50-85,00m, thời gian xuất hiện đỉnh vào khoảng 12-13 giờ trưa 9/9...

Do ảnh hưởng của hoàn lưu và hậu siêu bão số 3 (bão Yagi), các khu vực trong tỉnh Lào Cai có mưa trên diện rộng. Nhiều địa phương có mưa to, mưa rất to, một số nơi có mưa đặc biệt lớn (trên 200mm/ngày). Kết hợp với mưa lớn đầu nguồn phía Trung Quốc; khiến nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn gây lũ cao trên sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai.

lu-sh-1-1725852671.jpg
 

Lúc 7 giờ giờ 9/9, Trạm thủy văn Lào Cai quan trắc được mực nước lên tới 83,91m (cao trên báo động III là 0,41m); biên độ lũ là 7,43m. Hiện lũ trên sông vẫn tiếp tục lên với cường xuất trung bình khoảng 20cm/giờ. Dự báo đỉnh lũ cao nhất có khả năng đạt mức 84,50-85,00m; cao trên báo động III khoảng 1-1,5m.

lu-sh-2-1725852671.jpg
 

Thời gian xuất hiện đỉnh vào khoảng 12-13 giờ trưa hôm nay. Lũ lên cao đã gây ngập úng sâu, mang đất cát vùi lấp rất nhiều tích cây trồng, hoa màu, rau xanh của người dân canh tác dọc hai bên ven sông

Theo chuỗi số liệu quan trắc đã thu thập được, đây là trận lũ lớn hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó, cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, Lào Cai có mưa lớn trên diện rộng và kéo dài. Vào ngày 9/8/2008, trên sông Hồng đã xuất hiện lũ lớn, đỉnh lũ cao nhất lên tới 84,91m (cao trên báo động III là 1,41m).

lu-sh-5-1725852672.jpg
 

Trước tình hình lũ trên sông có khả năng diễn biến phức tạp và khó lường, để giảm thiểu thiệt hại do lũ lớn gây ra, hiện các cấp chính quyền nơi có sông Hồng chảy qua đang tích cực chỉ đạo người dân sinh sống dọc hai bên ven sông tích cực phòng tránh lũ lớn, có phương án di dời người và tài sản khi cần thiết. Đồng thời, khuyến cáo người dân không đánh bắt cá, vớt gỗ củi, các vật trôi nổi trên sông để phòng ngừa hiểm hoạ do lũ cuốn.