Sự kiện trong nước:
- Ngày 17/7/1920, Toàn văn tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lenin được đăng trên tờ L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Xã hội Pháp. Chính nhờ được đọc văn kiện này, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định lựa chọn con đường đi theo Quốc tế III của Lenin để góp phần sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Tác phẩm của Lenin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người đã nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lenin, tin theo Quốc tế III”.
- Ngày 17/7/1947, Bác gửi thư cho Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc 27/7”. Nội dung bức thư nêu rõ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà ngày nay một số đã thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
Thư nhấn mạnh: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh” và đưa ra một số sáng kiến thiết thực, đồng thời “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lát lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ)”.
- Ngày 17/7/1956, thành lập Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Nằm tại số 28A, đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, đây là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu ngành của hệ thống bảo tàng quân đội. Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ 16 vạn hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật quý, có cả các bảo vật quốc gia. Những hiện vật này tái hiện một cách sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh.
- Ngày 17/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra đê ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Cùng ngày, Bác đã đến thăm công trường xây dựng đập tràn của đập Đáy và trạm bơm Đan Hoài.
- Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, khẳng định ý chí quyết tâm chiến đấu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Trong Lời kêu gọi, Người khẳng định: Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam thì hòa bình sẽ trở lại ngay lập tức. Người tin tưởng cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta nhất định sẽ giành thắng lợi cuối cùng... Và “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Ảnh: vienkyluc.vn.Sự kiện quốc tế:
- Ngày 17/7/1871, Viện Hàn lâm khoa học Pháp đã đón nhận phát minh đi-na-mô (máy phát điện một chiều) của Gramme, người Bỉ.
- Ngày 17/7/1945, Hội nghị “Tam cường” được tổ chức tại Potsdam (Đức) giữa Tổng thống Mỹ Harry S.Truman, Thủ tướng Anh Clement Atlee và nhà lãnh đạo Liên Xô Josep Stalin, để quyết định về số phận của nước Đức bại trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Theo quyết định của “Tam cường” thì nước Đức bị giải giáp, tước hết mọi loại vũ khí, đất nước bị chia thành nhiều vùng và kỹ nghệ chiến tranh phải hoàn toàn dẹp bỏ. Đức còn phải bồi thường chiến tranh cho các nước đồng minh và đưa các tội phạm chiến tranh ra tòa án cho đồng minh xét xử.
- Ngày 17/7/1998, Thành lập Tòa án hình sự quốc tế (International Criminal Court - ICC) Quy chế thành lập ICC được thông qua tại một hội nghị do Liên hợp quốc tổ chức ở Roma, Italy, với sự tham gia của 162 nước. Với trụ sở thường trực ở La Hay, Hà Lan, Tòa án xét xử các tội phạm chiến tranh, tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người.
- Ngày 17/7/1998, ba đợt sóng thần do động đất gây nên đã tấn công các ngôi làng ở Tây Bắc Papua New Guinea khiến 2.000 người thiệt mạng.