Nửa đầu mùa (tháng 6-8), số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có thể ít hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên từ tháng 9-12, bão có thể hoạt động mạnh hơn, dồn dập hơn với số lượng cơn bão nhiều hơn, khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, trái quy luật.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ nay đến hết tháng 6, El Nino chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80-85%. Từ tháng 7, tháng 8, sẽ chuyển dần sang trạng thái Lanina với xác suất từ 65-75%.
Do ảnh hưởng của sự chuyển pha (từ El Nino sang trung tính rồi sang La Nina) nên từ nay đến tháng 8, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 3-5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng một cơn đổ bộ vào đất liền. Con số này thấp hơn so với trung bình nhiều năm (từ 5-6 cơn, trong đó khoảng 2 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta).
Dự báo vào cuối năm, hiện tượng ở trạng thái La Nina có thể xảy ra với xác suất khoảng 65-75%. Theo thống kê, thời kỳ La Nina tác động thường gây ra mưa nhiều, bão lớn.
Dự báo từ 9-11, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 7-9 cơn bão/ ATNĐ, trong đó có khoảng 3-4 cơn đổ bộ vào đất liền. Con số này lớn hơn so với trung bình nhiều năm (từ 6-7 cơn, trong đó khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta).
Cơ quan khí tượng cũng lưu ý, mùa bão năm nay có khả năng xuất hiện những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Đặc biệt, La Nina tác động vào nửa cuối năm 2024 có thể gây ra các đợt mưa lớn, dồn dập ở miền Trung, kịch bản mưa lũ lịch sử năm 2020 có thể tái diễn.
Cơ quan khí tượng nhận định, tại miền trung trong tháng 9, khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tháng 10, tổng lượng mưa ở miền Trung phổ biến cao hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm.
Trước đó, trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino với đặc trưng mưa bão ít. Trên cả nước xảy ra 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (gồm 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới), thấp hơn trung bình nhiều năm. Đáng lưu ý, không một cơn bão nào đổ bộ nước ta năm 2023.
Tuy nhiên, miền Trung năm 2023 cũng đón nhiều đợt mưa lớn, trong đó đợt mưa từ ngày 13-17/11 gây ra lượng từ 400-700mm ở khu vực Quảng Trị đến Bình Định, riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có nơi trên 1000mm như Bạch Mã 1924mm, Bình Điền 1272mm, Xuân Lộc 1310mm, Nam Đông 1154mm.
Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan khí tượng phát cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 ở Huế, Đà Nẵng do đợt mưa lớn này.
Link nội dung: http://thoitiet360.org/thoi-tiet-di-thuong-nam-nay-kha-nang-co-nhieu-con-bao-manh-trai-quy-luat-a5348.html