Các chuyên gia thời tiết và đô thị lý giải nguyên nhân TP Phú Quốc, Kiên Giang ngập nặng cục bộ sau cơn mưa lớn vừa qua.
Ngày 14/7, nhiều nơi ở TP Phú Quốc (Kiên Giang) bị ngập nặng cục bộ sau cơn mưa lớn kéo dài. Tình trạng này khiến cuộc sống của người dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Việc “thiên đường du lịch” Phú Quốc chìm trong biển nước nhận nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao “đảo ngọc” lại bị ngập nặng? Nếu trong thời gian tới mưa lớn tiếp tục diễn ra thì TP Phú Quốc sẽ ra sao?
Lượng mưa lớn
Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, Phú Quốc có vị trí đặc biệt là nơi đón gió mùa Tây Nam đầu tiên, do đó nơi đây sẽ đón cơn mưa lớn sớm hơn những tỉnh thành khác xa đất liền.
Theo chuyên gia thời tiết, nguyên nhân ban đầu dẫn đến ngập nặng ở TP Phú Quốc là do mưa lớn, ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới.
“Dù áp thấp nhiệt đới đợt này đi vào vùng ven biển miền Trung, nhưng khi còn ở ngoài biển thì rìa Tây Nam của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới đã quét qua khu vực Nam Bộ. Thông thường, không có bão trên biển Đông, không có áp thấp nhiệt đới thì gió mùa Tây Nam cường độ trung bình. Tuy nhiên khi xuất hiện cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới thì sẽ tạo điều kiện hút gió, hội tụ gió làm cho gió mùa Tây Nam mạnh. Do đó, đợt này Nam Bộ mưa diện rộng, trong đó Phú Quốc mưa sớm hơn và có lượng mưa lớn”, bà Lan nhận định.
Theo Bà Lan, mưa lớn ở Phú Quốc là điều không bất thường vì trước đây địa phương này cũng đã có những đợt mưa lớn do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.
“Bất thường ở đây là không phải mưa lớn mà đến từ tình trạng ngập sâu. Điều này cho thấy Phú Quốc hiện tại không còn như trước đây, diện tích thoát nước bị giảm đi, rừng cũng giảm đi. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng ngập nặng tại một số khu vực ở TP Phú Quốc”, bà Lan nói thêm.
Theo số liệu, ngày 13/7, TP Phú Quốc có lượng mưa 29mm, ngày 13/7 là 43mm, ngày 14/7 lượng mưa đạt 110mm, ngày 15/7 lượng mưa đạt 41mm.
Bà Lan nhận định, trong khoảng 2 ngày tới, xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới ngoài miền Nam của Philippines đi vào biển Đông, sau đó đi lên phía Bắc vị trí thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới sẽ kéo qua Nam Bộ làm gió mùa Tây Nam mạnh lên, do đó khả năng cao 2 ngày nữa TP Phú Quốc tiếp tục xuất hiện mưa lớn.
“Hiện tại, tháng 7 là tháng gió mùa và mùa bão trên khu vực Thái Bình Dương. Bão đang hoạt động dồn dập hơn. Mùa bão nhiều nhất là vào khoảng tháng 8 đến tháng 11. Năm 2024, từ tháng 7 đến cuối năm chịu ảnh hưởng của La Nina, số bão xuất hiện trên Biển Đông sẽ nhiều hơn. Khi bão xuất hiện nhiều, gió mùa Tây Nam mạnh lên, lúc đó TP Phú Quốc sẽ mưa.
Cho nên, từ nay đến tháng 10 và 11/2024, TP Phú Quốc sẽ còn xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, thậm chí mưa còn lớn hơn đợt ngập vừa rồi”, chuyên gia thời tiết dự báo.
Đô thị hóa nhanh
Liên quan việc mưa lớn dẫn đến ngập nặng ở TP Phú Quốc hôm 14/7, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện biến đổi khí hậu cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến TP Phú Quốc ngập cục bộ là do quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh nhưng không hợp lý.
“Thật ra lượng mưa vừa rồi không phải kỷ lục ở Phú Quốc, trước đây đã có những trận mưa hơn 150mm nhưng lại không gây ngập cục bộ vì thời điểm đó rừng còn nhiều, mật độ xây dựng nhà cửa trên đường thoát nước không nhiều như bây giờ”, ông Tuấn đánh giá.
Theo Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, mật độ khu đô thị, khu dân cư đông đúc tại TP Phú Quốc đang chặn đường thoát nước lũ, thoát nước tự nhiên. Đặc biệt, rừng ở Phú Quốc không có khả năng giữ được nước như trước đây nên khi gặp mưa lớn, nước đổ dồn xuống vùng trũng rất nhanh gây ngập cục bộ.
Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn nhận định, hệ thống thoát nước của TP Phú Quốc không được cải thiện tương ứng với đô thị hóa như hiện nay.
Theo Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, tình trạng ngập cục bộ ở TP Phú Quốc là bài học quan trọng để cho những chuyên gia làm quy hoạch đô thị phát triển Phú Quốc lưu ý. Đầu tiên cần nghiên cứu, tăng cường trồng rừng để giảm bớt nguy cơ sạt lở, cân bằng lại hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, nhanh chóng cải thiện hệ thống thoát nước, vì hệ thống này có thể cũng lạc hậu và không thỏa mãn được yêu cầu thoát nước hiện nay. Mặt khác, cần phải hạn chế bớt thực trạng bê tông hóa nhằm tạo điều kiện cho nước thấm xuống lòng đất.
Còn theo TS Trần Hữu Hiệp - nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tình trạng ngập sâu ở nhiều khu vực trên TP Phú Quốc một phần do ảnh hưởng bởi mưa bão kéo dài nhiều ngày, tuy nhiên cần nghiêm túc nhận diện nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.
Tình trạng bê tông hóa phát triển đô thị cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập cục bộ tại Phú Quốc. Theo TS Trần Hữu Hiệp, ngập lụt cục bộ tại TP Phú Quốc hiện nay là điều khó tránh khỏi.
Link nội dung: http://thoitiet360.org/thanh-pho-phu-quoc-ngap-nang-cuc-bo-sau-mua-lon-chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-a5982.html