Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận hàng chục điểm sạt lở bờ sông, bờ bao, đê cồn..., ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Giữa tháng 7 vừa qua, trên địa bàn ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách xảy ra một điểm sạt lở có chiều dài khoảng 40m, ăn sâu vào đất liền 5m, làm sụp hoàn toàn một đoạn đường đan, giao thông đi lại bị ảnh hưởng.
Bà Lưu Thùy Em nhà cách điểm sạt lở chỉ hơn 1m lo lắng cho biết nếu không có biện pháp gia cố kịp thời thì nguy cơ ngôi nhà của bà cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Nhà này do chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng, vào ở chưa hết mừng thì giờ lại phải lo. Ban đêm tôi không dám ngủ vì sợ sạt lở không hay. Gia đình khó khăn cũng không biết làm sao để di dời”, bà Thùy Em nói.
Theo UBND huyện Kế Sách, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm sạt lở 2km, ăn sâu vào bờ bao, đường đan, đê cồn từ 2 - 10m, diện tích đất bị sạt lở khoảng 1ha/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 37 đoạn, tổng chiều dài trên 900m.
Tương tự tại huyện Cù Lao Dung cũng đã ghi nhận hơn 30 điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê Tả Hữu thuộc xã An Thạnh Đông, khu vực Xóm Đáy xã Đại Ân 1.
Ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung thông tin qua rà soát thống kê, trên địa bàn huyện có 55 công trình với quy mô sạt lở lớn ước kinh phí thực hiện khoảng 5 tỉ đồng. Huyện cũng đã kiến nghị Sở NNPTNT, Chi cục Thủy lợi tỉnh hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện nhằm góp phần ứng phó với tình hình thiên tai, triều cường trong những tháng cuối năm 2024.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn bàn xã Song Phụng (huyện Long Phú) ghi nhận 3 điểm sạt lở ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Các tuyến đê cồn trên sông Hậu thuộc địa bàn Kế Sách, rạch Phụng An, kênh Rạch Vọp, tuyến đê sông Mỹ Thanh (huyện Trần Đề) đang diễn ra sạt lở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ sắp tới.
Tại huyện Mỹ Tú, dòng chảy làm sạt lở nghiêm trọng bờ Sông Nhu Gia xói lở khu vực cống Tam Sóc. Ngày 26.2, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 276/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm đê sông Nhu Gia, khu vực cống Tam Sóc, xã Mỹ Thuận.
Tương tự trên tuyến đê biển Vĩnh Châu (thị xã Vĩnh Châu) thuộc khu vực K39 – K45 tiếp tục bị xâm thực mạnh, rừng phòng hộ không còn, sóng biển uy hiếp trực tiếp vào thân đê, nguy cơ vỡ đê rất cao.
Ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết thời gian qua, từ nguồn vốn Trung ương, địa phương ngành nông nghiệp phối hợp các huyện, thị xã thực hiện gia cố các tuyến bờ bao trên địa bàn Cù Lao Dung, các cồn trên sông Hậu đảm bảo an toàn vừa ngăn mặn, chống triều cường bảo vệ diện tích sản xuất.
Đưa vào sử dụng hệ thống kè ngầm chắn sóng ven biển tại các điểm xung yếu từ ranh Bạc Liêu đến cống số 4, khẩn trương thi công đoạn K39-K45.
Ông Đạo cho hay, ngành nông nghiệp cũng kiến nghị xây mới 41km đê bao trên địa bàn xã An Thạnh Đông, Đại Ân 1 kinh phí 250 tỉ (Dự án WB11) hoàn tất việc khép kín đê bao bảo vệ an toàn diện tích sản xuất địa bàn huyện Cù Lao Dung. Đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí nâng cấp tuyến đê thuộc các cồn trên sông Hậu địa bàn Kế Sách (Phong Nẫm, An Tấn, An Công, Mỹ Phước).
Link nội dung: http://thoitiet360.org/soc-trang-sat-lo-nghiem-trong-co-noi-cach-nha-dan-chi-hon-1-met-anh-huong-den-sinh-hoat-cua-nguoi-dan-a6347.html