Thái độ đối với việc hở ngực đã có nhiều sự biến đổi đáng kể ở các nền văn hóa theo thời gian. Việc không che phần bên trên với cả nam và nữ đã là chuẩn mực trong các nền văn hóa truyền thống của Bắc Mĩ, châu Phi, Úc và các đảo Thái Bình Dương, cho đến khi các nhà truyền giáo Thiên chúa đến và nó vẫn là chuẩn mực trong nền văn hóa bản địa ngày nay.
Ở châu Phi, những người phụ nữ Himba ở phía Bắc Ethiopia, chuẩn mực xã hội dành cho phụ nữ là để ngực trần. Vào ngày lễ hội, những người phụ nữ từ 16 tới 20 để ngực trần, nhảy trước vị vua của họ.
Những người sống ở quần đảo Vanuatu, phía Nam Thái Bình Dương, gần với Úc, phụ nữ vẫn để ngực trần. Dù thế giới đã phát triển, nhưng các bộ lạc ở đây vẫn không chấp nhận ảnh hưởng của văn minh phương Tây hiện đại, duy trì văn hóa bản địa của mình.
Đến đầu thế kỉ 20, phụ nữ ở miền Nam Thái Lan đã mặc một loại váy ống dài, gọi là Phan-Sin, chỉ quấn váy tới thắt lưng, bên trên hở. Sau đó, dưới ảnh hưởng của các nhà truyền giáo và sự hiện đại hóa dưới thời vua Chulalongkorm, vị vua này đã khuyến khích phụ nữ địa phương mặc áo che ngực. Khoảng thời gian từ 1939 tới 1942, chính phủ đã ban hành các tiêu chuẩn đạo đức, không cho phép người Thái xuất hiện mà “không mặc thích hợp”. Trước đó, phụ nữ Thái được mô tả có những nơi để ngực trần ở công cộng.
Ở Trung Quốc, từ thời thượng cổ Khổng Tử đưa ra các quy tắc chi li để giáo dục các bé trai, bé gái, thanh niên và người lớn. Ông quy định cách rửa tay và miệng, cách mặc quần dài, buộc giày, và ông chỉ cho phụ nữ cách họ nên ăn mặc và ướp hương cho tóc.
Điều này khiến cho dân tộc Hán được coi là những dân tộc văn minh sớm nhất, nhưng cũng được xem là bảo thủ nhất. Dĩ nhiên, từ xa xưa tới nay việc ăn mặc của phụ nữ ở nước này phải kín đáo, thùy mị, duyên dáng tuân theo một trong bốn tiêu chuẩn là “dung” trong công, dung, ngôn, hạnh. Gần đây, một thành phố ở Trung Quốc là Tế Nam còn ra lệnh cấm đàn ông cởi trần.
Ở hầu hết xã hội phương Tây, việc che ngực với giới nữ là một tiêu chuẩn văn hóa. Ít nhất, không chấp nhận văn hóa cho việc phụ nữ lộ quầng và núm vú ở nơi công cộng. Mặc dù thái độ của công chúng dành cho việc phô bày cơ thể dễ chịu hơn trong những năm 1960 đến nay, nói chung xã hội phương Tây vẫn không ủng hộ việc hở ngực.
Một quốc gia được coi là văn minh, tiên tiến nhất như nước Mĩ, chỉ có một số bang như New York, Hawaii, Maine, Ohio, và Texas cho phép phụ nữ để ngực trần ở bất cứ nơi nào. Tuy nhiên luật của bang là như vậy, nhưng có khi luật ở cấp như cấp quận, thị trấn vẫn coi hở ngực là trái luật.
Nói chung, việc để ngực trần là coi vi phạm pháp luật ở nơi công cộng. Ví dụ ở bang Arizona, việc một phụ nỡ để lộ quầng, núm vú của mình ở nơi mà người khác có mặt được coi là vi phạm luật.
Vào khoảng năm 1900, một người Pháp tên là Paul Giran đã tới Việt Nam, mô tả về việc ăn mặc của người Việt lúc đó như sau: “Những gì họ thường mặc là: một chiếc quần thụng và một chiếc váy hoặc một chiếc áo khoác cột bên sườn (có lẽ chỉ cái yếm); tất cả đều bằng vải mỏng".
Theo "Việt Nam phong tục", thường phục cho phụ nữ thì đầu vấn khăn thâm, hoặc lượt, hoặc nhiễu. Yếm cổ xây hoặc cổ viền, dùng chủ yếu màu trắng; áo dùng áo màu thâm, màu nâu.
Vào năm 1744, lúc đó nước Việt còn chia Bắc - Nam triều, ngoài Bắc là chúa Trịnh, trong Nam là chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn ra lệnh bắt bỏ cách mặc áo ở ngoài Bắc, mà châm chước theo cách mặc quần, áo theo kiểu người Tàu.
Theo sách "Việt Nam văn hóa sử cương", phụ nữ Nam triều không mặc yếm, mà mặc áo nịt - lót. Lý do là theo quan điểm của chúa Nguyễn, cách ăn mặc ở Bắc triều là “thô bỉ”.
Những bức ảnh còn lưu lại do người Pháp chụp thế kỉ 19, ta thấy phụ nữ Việt lúc đó thường ngày thì mặc yếm rất mỏng, có khi vẫn có những bức ảnh hở ngực.
Trong ca dao, tục ngữ, văn hóa nói chung cũng nhẹ nhàng với việc ăn mặc. Ví dụ:
Gió nam đánh tốc yếm đào
Anh nghĩ oản trắng, anh vào thắp nhang
Hoặc:
Vú em chum chúm chũm cau
Cho anh bóp cái, có đau anh đền
Có thể thấy rằng cùng chịu ảnh hưởng Nho giáo nhưng việc ăn mặc của phụ nữ của Việt Nam xét thấy có phần tự do hơn so với các nước Đông Á, như Trung Quốc, Hàn, Nhật hay kể cả phương Tây. Ngoài ra, cách mặc yếm cũng phản ánh một xã hội dễ chịu hơn đối với người phụ nữ vào thời bấy giờ.
Thế giới mỗi ngày một tiến bộ hơn thì tư tưởng cũng thế, không đứng nguyên một chỗ. Ví như ngày xưa phụ nữ nhuộm răng đen, coi răng đen là đẹp. Ở Nam Kỳ khi những người Hoa tới buôn bán, đã có thơ chê những người này là: “Cái răng trắng nhế, miệng không ăn trầu”. Thời gian dần trôi qua thì lại chuộng răng trắng, coi răng trắng là đẹp.
Đó là vài điều nhận xét mà chúng ta cần lưu ý, khi xem xét một số vấn đề xã hội hiện nay, như triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan hay vụ cởi áo ngực ở biển Cửa Lò.
Đặng Quỳnh Lê
Link nội dung: http://thoitiet360.org/viec-ho-nguc-cua-chi-em-tren-the-gioi-va-viet-nam-a8338.html