Kinh nghiệm tư vấn chọn tổ hợp môn hiệu quả cho học sinh lớp 10

Năm học 2023-2024 là năm thứ hai học sinh lớp 10 học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài các môn học bắt buộc, các em được tự chọn một tổ hợp môn do nhà trường xây dựng.

Tuy nhiên, việc học sinh lựa chọn như thế nào để phù hợp với khả năng, sở thích và định hướng nghề nghiệp sau này khiến nhiều học sinh lúng túng

Là giáo viên bậc trung học phổ thông có 2 năm làm công tác tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho học sinh lớp 10, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm từ thực tiễn nơi đơn vị tôi đang công tác.

Kinh nghiệm tư vấn chọn tổ hợp môn hiệu quả cho học sinh lớp 10

Ảnh minh họa: Ánh Dương

Thứ nhất, trong quá trình tư vấn chọn tổ hợp môn tôi thấy rằng, nhiều học sinh và phụ huynh nhầm lẫn chỉ có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương là môn chính.

Còn 3 môn trong số 9 môn tự chọn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc là môn phụ.

Giáo viên cần giúp học sinh và phụ huynh học sinh hiểu rõ, theo quy định tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, tất cả các môn đều được tính điểm như nhau, không phân biệt môn chính, môn phụ.

Chẳng hạn, học sinh được đánh giá kết quả học tập ở mức Tốt nếu tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét (Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) được ở mức Đạt. Tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn từ 6,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình môn từ 8,0 trở lên.

Đáng chú ý, để được xếp học lực Giỏi, học sinh phải đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong 03 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ phải đạt từ 8,0 trở lên.

Thứ hai, học sinh lớp 9 thường chỉ chú trọng vào 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (chủ yếu môn Tiếng Anh) để thi tuyển sinh vào lớp 10 nên các em không mấy quan tâm đến các môn học còn lại.

Đặc biệt, tôi nhận thấy, nhiều học sinh (kể cả phụ huynh) chưa hiểu rõ về nội dung môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và các tổ hợp môn có liên quan đến 2 môn học này. Ví dụ tổ hợp tự chọn: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Địa lí, Tin học; Công nghệ, Tin học, Mĩ thuật.

Giáo viên cần phân tích, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật 10, 11, 12 gồm 2 phần: 1) Giáo dục kinh tế (Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế; Thị trường và cơ chế thị trường; Ngân sách nhà nước và thuế, Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh, Tín dụng và cách sử dụng các dịch vụ tín dụng trong đời sống, Lập kế hoạch tài chính cá nhân).

2) Giáo dục pháp luật (Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Nếu học sinh lựa chọn tổ hợp môn có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật thì sau này các em có thể xét tuyển vào các lĩnh vực như: quản lý hành chính Nhà nước, sư phạm, công an, quân đội, quản lý giáo dục, chính trị, luật, nhân sự, công tác xã hội…

Cần biết thêm, môn Giáo dục Công dân (Chương trình mới là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2017, sau đó được nhiều trường đại học đưa vào các tổ hợp xét tuyển sinh, trong đó có các khối A, B, C, D truyền thống.

Còn môn Công nghệ 10 có một số nội dung đáng chú ý như: Vẽ kĩ thuật; thiết kế kĩ thuật; Nghề nghiệp STEM; nông nghiệp. Công nghệ 11: Cơ khí chế tạo; cơ khí động lực. Công nghệ 12: Công nghệ điện; công nghệ điện tử; lâm nghiệp; thủy sản.

Nhìn chung, học sinh chọn môn Công nghệ thì việc lựa chọn nghề nghiệp sau này liên quan đến các ngành nghề kĩ thuật, công nghệ thuộc định hướng Công nghiệp hoặc định hướng Nông nghiệp...

Thứ ba, nhiều học sinh chọn môn Âm nhạc, Mĩ thuật chỉ vì cảm thấy thích và tưởng nội dung môn học nhẹ nhàng như bậc trung học cơ sở, chứ không phải bản thân có năng khiếu về nghệ thuật.

Vì vậy, đối với những học sinh chọn môn Âm nhạc, Mĩ thuật thì giáo viên trường tôi sẽ kiểm tra các em về mặt năng khiếu.

Ví dụ, học sinh chọn môn Âm nhạc thì phải đọc được nốt nhạc, hát được một cao độ khó của một bản nhạc và chơi được một loại nhạc cụ ở mức cơ bản.

Đối với môn Mĩ thuật, giáo viên yêu cầu học sinh quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ thông qua các biểu hiện cụ thể.

Chẳng hạn, nhận biết được giá trị của sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật đặc trưng của một số ngành nghề trong đời sống.

Nếu học sinh không đáp ứng được những yêu cầu mang tính chất sơ tuyển này thì lãnh đạo nhà trường cùng với giáo viên chủ nhiệm sẽ mời học sinh và phụ huynh học sinh vào trường để tư vấn, giúp các em chọn tổ hợp môn khác phù hợp hơn.

Thứ tư, tôi luôn khuyên các em học sinh đừng sợ các môn mà mình cảm thấy khó để rồi bỏ qua và chỉ chọn những môn dễ học. Môn học khó hay dễ cũng phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp học tập và sự cố gắng nỗ lực của bản thân.

Các môn học ở bậc trung học phổ thông cơ bản khác với bậc trung học cơ sở. Chỉ cần học sinh có ý thức học tập thì thầy cô giáo sẽ giúp các em tiến bộ qua từng năm học.

Giả sử học sinh chọn những môn dễ học nhưng không phục vụ cho các khối thi của các em sau này thì nào có ích gì. Học sinh nên lựa chọn những môn phù hợp với năng lực của bản thân để định hướng nghề nghiệp trong tương lai mới là điều thiết thực và đúng đắn.

Hơn nữa, sau này các em có thể xét tuyển vào đại học theo nhiều phương thức nên việc lựa chọn môn học cũng cần sự mạnh dạn, quyết đoán để có hướng phấn đấu trong quá trình học bậc trung học phổ thông.

Thứ năm, giáo viên tư vấn cần giúp học sinh, phụ huynh học sinh nhận thức rõ, nếu các em lựa chọn tổ hợp môn không phù hợp thì cuối năm lớp 10 có thể chuyển đổi bằng một tổ hợp môn khác phù hợp hơn.

Tuy vậy, việc học sinh thay đổi tổ hợp môn cuối năm thì các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập. Học sinh phải học để hoàn thành chương trình môn mới suốt thời gian hè. Sau đó các em phải được kiểm tra, đánh giá, nếu đạt yêu cầu theo quy định thì mới đủ điều kiện chuyển sang tổ hợp môn mới.

Cụ thể, học sinh phải học 70 tiết và làm bài đánh giá thường xuyên (6 cột điểm), đánh giá định kì (2 cột giữa học kì, 2 cột cuối kì). Việc phải học và kiểm tra liên tục để lấy 10 cột điểm thì không phải học sinh nào cũng có thể vượt qua.

Nhìn chung, muốn tư vấn cho học sinh lớp 10 chọn tổ hợp môn có hiệu quả đòi hỏi giáo viên phải vừa am hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa có khả năng định hướng nghề nghiệp cho các em sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tránh được thiếu thông tin nên chọn nhầm tổ hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Link nội dung: http://thoitiet360.org/kinh-nghiem-tu-van-chon-to-hop-mon-hieu-qua-cho-hoc-sinh-lop-10-a9005.html