Đơn vị:

Cổ phiếu tăng mạnh: Loạt cổ phiếu lớn giảm sâu, một mã UPCoM tăng mạnh 80%

Bùi Việt

Phần lớn cổ phiếu tăng mạnh tuần vừa qua là các mã có vốn hoá vừa và nhỏ. Các “ông lớn” KBC, CTR, CMG gây thất vọng khi lọt nhóm giảm sâu.

Sau khi “thủng mốc” 1.200 điểm trong phiên 20/11, chỉ số VN-Index đã lập tức bật tăng trở lại, kết tuần ở mức 1.228 điểm, cho thấy xu hướng giảm giá của thị trường đã có phần chững lại.

Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa "phủ sóng" danh sách cổ phiếu tăng mạnh.

Cổ phiếu tăng mạnh: Loạt cổ phiếu lớn giảm sâu, một mã UPCoM tăng mạnh 80%

HoSE: Mã nhỏ "nổi sóng", ông lớn gây thất vọng

Trên sàn HoSE, cổ phiếu VRC của Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC đứng đầu danh sách với mức tăng 36,17%. Tính theo mức giá 12.500 đồng/cp, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đạt hơn 625 tỷ đồng. Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản cổ phiếu VRC cũng tăng vượt mức trung bình 20 phiên, cho thấy sự “nhộn nhịp” của dòng tiền.

Diễn biến khởi sắc nói trên xảy ra trong bối cảnh nhân sự cấp cao của doanh nghiệp hiện có sự biến động lớn. Liên tục trong hai ngày 21, 22/11, VRC nhận đơn từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT Phan Văn Tướng và Thành viên HĐQT Trần Tuấn Anh. Đáng nói, trước khi nộp đơn từ nhiệm, trong nửa cuối tháng 10, ông Phan Văn Tướng đã đăng ký bán thỏa thuận toàn bộ hơn 7,3 triệu cổ phiếu VRC, tương ứng 14,65% vốn doanh nghiệp.

Cổ phiếu tăng mạnh: Loạt cổ phiếu lớn giảm sâu, một mã UPCoM tăng mạnh 80%

Xếp thứ 2 là cổ phiếu NO1 của Công ty CP Tập đoàn 911 với đà tăng 22,58%. Tính theo mức giá 13.300 đồng, vốn hóa của Tập đoàn này đạt gần 320 tỷ đồng. Với diễn biến tích cực, cổ phiếu NO1 đã xác lập đỉnh mới kể tử khi niêm yết vào năm 2022.

Nhịp tăng của cổ phiếu NO1 diễn ra ngay sau khi bà Nguyễn Thị Hải - vợ ông Lưu Đình Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xuống tiền gom cổ phiếu. Cụ thể, bà Hải đã mua vào hơn 763.000 cổ phiếu NO1 từ ngày 15/10 đến 13/11 theo phương thức khớp lệnh, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 7,28%.

Đáng chú ý, Tập đoàn 911 mới đây đã công bố kế hoạch kinh doanh mới, tập trung chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Doanh nghiệp dự kiến trình cổ đông thông qua việc ký kết hợp đồng mua bán xe ô tô và dịch vụ cho thuê pin với Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast, giá trị hợp đồng dự kiến 500 tỷ đồng và dự kiến thực hiện trong quý II/2025.

Chủ tịch Tập đoàn, ông Lưu Đình Tuấn cho biết hoạt động này nhằm triển khai dịch vụ taxi mang nhãn hiệu “911 taxi” với mục tiêu phát triển 200 xe vào cuối năm 2024 và mở rộng lên hơn 2.200 xe vào cuối năm 2025.

Ở vị trí thứ ba là cổ phiếu MCP của Công ty CP In và Bao bì Mỹ Châu với đà tăng 15,79%. Tính theo mức giá này, vốn hóa của Bao bì Mỹ Châu đạt hơn 497 tỷ đồng. Với chỉ hơn 15 triệu cổ phiếu lưu hành, thanh khoản của MCP tuần qua ở mức rất thấp.

Sau MCP, những cái tên còn lại top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE tuần vừa qua lần lượt là TPC (+14,44%), FIR (+13%), TDW (+12,92%), TCO (+12,95%), HRC (+12,29%), TTE (12,28%), STG (+11,31%).

Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh gồm có: RDP (-22,78%), CTF (-15,85%), SRC (-11,93%), PSH (-10,16%), VSC (-9,74%), S4A (-9,71%), QCG (-8,20%), CTR (-8,19%), KBC (-8,01%), CMG (-7,94%).

Trong đó, cổ phiếu RDP của Công ty CP Rạng Đông Holding bị bán tháo và lao dốc mạnh, phản ánh tâm lý bi quan của nhà đầu tư sau sau thông tin bị chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch.

Bên cạnh những “gương mặt thân quen” như CTF, PSH, danh sách cổ phiếu giảm mạnh bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của một số “ông lớn” như KBC, CTR, CMG. Đây đều là các mã ghi nhận đà tăng tích cực trong tuần trước.

HNX: DHT, CAN ngập niềm vui, VLA, GKM tiếp tục "gieo sầu"

Trên sàn HNX, cổ phiếu DC2 của Công ty CP Đầu tư - Phát triển - Xây dựng (DIC) số 2 dẫn đầu danh sách tăng mạnh khi tích luỹ thêm 15,87%. Tuy nhiên, với thanh khoản “nhỏ giọt”, “spotlight” lại hoàn toàn thuộc về “á quân” MST.

Cổ phiếu MST của Công ty Đầu tư MST ghi nhận mức tăng 15,09% cùng khối lượng khớp lệnh được lên tới hàng triệu đơn vị mỗi phiên. Đáng chú ý, trong phiên 18/11, mã này xác lập kỷ lục thanh khoản trong lịch sử niêm yết với 7,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Cổ phiếu tăng mạnh: Loạt cổ phiếu lớn giảm sâu, một mã UPCoM tăng mạnh 80%

Các cổ phiếu còn lại trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX bao gồm: STP (+15,05%), DHT (+13,57%), VGP (+13,15%), BKC (+11,76%), HMR (+10,48%), TTL (+10%), CAN (+9,8%), VNT (+9,79%).

Trong số này, cổ phiếu DHT của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây là mã nổi bật nhất khi thiết lập được đỉnh giá mới trong tuần qua. Tính theo mức giá 82.000 đồng/cp, vốn hóa của công ty dược này đã đạt hơn 6.700 tỷ đồng.

Tại Dược Hà Tây, ASKA Pharmaceutical là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 28,8 triệu cổ phiếu DHT, tương ứng tỉ lệ 35%. Trong động thái mới nhất, cổ đông lớn đến từ Nhật Bản đã ra thông báo mua thêm 500.000 cổ phiếu từ ngày 20/11 đến ngày 26/11. Nếu thành công, ASKA Pharmaceutical sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty lên 35,6%, tương ứng 29,3 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, cổ phiếu CAN của Công ty CP Đồ hộp Hạ Long cũng là một mã gây ấn tượng khi đã góp mặt trong danh sách tăng mạnh tuần thứ hai liên tiếp.

Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần là SDC (-26,09%), VLA (-20,63%), GKM (-14,49%), DL1 (-13,33%), VE1 (-12,82%), PGT (-11,84%), CMC (-10,45%), VTJ (-10%), NAP (-9,89%), PTD (-9,89%).

Trong khi VLA tiếp tục mang tới nỗi buồn cho nhà đầu tư khi nằm trong nhóm 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất ba tuần liên tiếp thì cổ phiếu GKM cũng gây thất vọng với sự lên xuống thất thường. Tuần trước, đây là một trong số 10 tăng mạnh nhất sàn HNX.

Cổ phiếu GKM lao dốc ngày sau khi UBCKNN công bố quyết định xử phạt 23 nhà đầu tư liên quan tới phi vụ thao túng thị trường chứng khoán do ông Nguyễn Việt Hà thực hiện trong giai đoạn từ ngày 02/08/2021 đến ngày 28/01/2022.

UPCoM: L35 bứt phá 80%

Tuần này, sàn UPCoM chứng kiến sự xuất hiện của những cái tên hoàn toàn mới trong cả hai danh sách tăng và giảm mạnh nhất.

Cổ phiếu tăng mạnh: Loạt cổ phiếu lớn giảm sâu, một mã UPCoM tăng mạnh 80%

Nhìn vào nhóm tăng mạnh, 10 mã dẫn đầu gồm có: L35 (+80%), SQC (+47,86%), MTC (+38,89%), ACS (+34,72%), XHC (+34,59%), TW3 (+31,97%), L43 (+30,77%), MGR (+30,56%), GLW (+30,43%), DHN (+29,17%).

Ở chiều ngược lại, 10 mã giảm sâu nhất bao gồm: IME (-40%), CCV (-34,02%), TRS (-27,50%), UPC (-25,95%), VHD (-25%), S12 (-24%), BBM (-21,18%), DVC (-21,01%), VLW (-18,88%), DNT (-18,57%).

Thế nhưng, có một điểm chung vẫn không hề thay đổi. Tất cả các cổ phiếu nói trên đều ở trọng tình trạng giao dịch ảm đạm với khối lượng khớp lệnh rất thấp.

Theo đó, nếu để lựa chọn ra cái tên nổi bật nhất, đó có lẽ là cổ phiếu L35. Với 4/5 phiên tím trần, mã này đã tạo ra đà tăng lên tới 80%, vượt xa phần còn lại.

Về L35, đây là mã cổ phiếu của Công ty CP Cơ khí Lắp máy Lilama, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước mang tên Công ty Cơ khí lắp máy, thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam. Tháng 7/2007, Cơ khí Lắp máy Lilama trở thành công ty đại chúng và đến tháng 3/2010 thì chính thức niêm yết trên HNX với mã chứng khoán L35. Tuy nhiên, đến ngày 19/5/2024, cổ phiếu L35 đã bị HNX huỷ niêm yết do thua lỗ trong 3 năm liên tục.

Link gốc