Đơn vị:

"Dị nhân thời tiết" kêu mưa gọi gió cho Nam Bộ: Không nên cổ suý đề phòng cho mê tín dị đoan

Bùi Việt

Ở thế kỉ này, mà việc hô mưa gọi gió vẫn được nhiều tin và cổ suý đến vậy. Theo các chuyên gia khẳng định việc hô được mưa gọi được gió chỉ là điều hoang đường. Tuy nhiên, có nhiều dân tộc trên thế giới có tín ngưỡng cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa. Không nên lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, gây hoang mang.

img-4612-1713110029.jpeg
 

"Dị nhân" hô mưa gọi gió chỉ là hoang tưởng

Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin Trung tâm Dịch thuật và Khoa học Công nghệ (CTCS, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) gửi Chi cục Thủy lợi TP Hồ Chí Minh về việc giới thiệu người cầu mưa giải quyết cái nóng như thiêu như đốt nhằm hạ nhiệt cho các tỉnh thành ở Nam Bộ.
Không chỉ kêu gọi bằng lời nói, đích thân TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc CTCS đã gửi văn bản giới thiệu ông Lê Minh Hoàng hiện đang sinh sống ở Hà Nội muốn thử nghiệm khả năng "Hô mưa gọi gió" của mình nhằm hạ nhiệt để giải cơn khát hạn hán cho các tỉnh Nam Bộ.

Trước thông tin kì dị về " dị nhân" hô mưa gọi gió này, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho hay từ khoảng năm 2013 ông Lê Minh Hoàng đã được một số báo chí nói đến do tự nhận có khả năng cầu mưa và đuổi bão. Đây có thể coi là một việc hoang tưởng. Để kiểm chứng khả năng này có thể thực hiện ở bất cứ đâu.

"Cầu mưa là một tín ngưỡng tồn tại từ lâu đời ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Mục đích chính là cầu cho mưa thuận gió hòa. Đó là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đáng được tôn trọng. Tuy nhiên lợi dụng văn hóa tín ngưỡng để trục lợi hay gây hoang mang trong dân chúng thì không nên cổ vũ", TS Nguyễn Ngọc Huy nói.

Một điều minh chứng rõ nhất là, trong khi cả thế giới căng mình chống biến đổi khí hậu, đội ngũ hàng triệu nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu, phát triển các mô hình dự báo thì một "dị nhân" công bố làm được hết những điều đó là không tưởng.

Nói về vấn đề này, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng - UIA (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) khẳng định đây là trò nhảm nhí, hoang đường, tung những thông tin mê tín dị đoan, cầu xin điều phi lý trái tự nhiên từ đấng tối cao. Đây là điều không có thật, mọi người không lên tin và cần loại bỏ ngay ra đời sống thường ngày.

img-3520-1713110465.jpeg
 

Việc có mưa hay không hoàn toàn là do biến đổi của khí hậu, thời tiết, khi hơi nước gặp lạnh sẽ tạo ra mưa. Trên thế giới không ai có thể cầu được mưa mà bằng công nghệ, con người có thể làm mưa nhân tạo hay ngăn mưa bằng một số loại chất rất tốn tiền và khó khả thi.

"Để kiểm chứng không khó khăn gì cả. Bây giờ trời đang nắng, ông chỉ cần làm cho nhà ông ở có mưa trong vài tiếng nữa. Việc này chắc sẽ tốn ít "năng lượng" hơn rất nhiều so với gọi mưa cho cả khu vực rộng lớn. Nếu ông làm được ngay thì cả thế giới công nhận ông. Hay nếu ông nói có khả năng làm bão chuyển hướng, tôi bật cái quạt điện chĩa thẳng vào ông, ông làm cho gió chuyển sang hướng khác đi...", TS Vũ Thế Khanh nói.

Theo TS Vũ Thế Khanh, có thể có một vài lần nào đó "ăn may" nên vô tình gọi được mưa, nhưng chắc chắn khả năng này là không có thật. Do vậy không nên cổ xúy cho điều này bởi dễ dẫn đến mê tín dị đoan. Bắt đầu từ việc này có thể liên hệ sang các việc nhảm nhí khác như dự đoán xổ số, chứng khoán, không làm mà cũng có ăn...

Trởi không mưa và tiếp tục nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cùng với tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài là nguy cơ khô hạn vẫn diễn ra căng thẳng do tổng lượng mưa tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-40mm. Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến thấp hơn tới 40-80mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Một số cơ quan dự báo khí tượng quốc tế nhận định, bước sang tháng 5, khu vực Đông Nam Á sẽ có những đợt nắng nóng kỷ lục.

Cơ quan khí tượng nhận định, từ nay đến ngày 10/5, nước ta vẫn có không khí lạnh nhưng hoạt động với cường độ yếu và giảm dần về tần suất. Trong khi, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần, nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Từ nay đến ngày 10-5, mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ chưa có dấu hiệu bắt đầu nên tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.

troi-mua-1712279345.jpg
 


Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết việc có xảy ra hiện tượng mưa (giáng thủy) phải có các điều kiện. Cụ thể là bầu trời phải có mây, loại mây đối lưu dễ xảy ra mưa, hoặc các loại mây tầng thấp, mà điều kiện hình thành mây tầng thấp thì quá trình bốc hơi liên tục xảy ra, độ ẩm không khí phải cao, mặt đất có nhiệt độ cao.

Tuy nhiên, càng lên cao nhiệt độ càng giảm, khối không khí đạt tới trạng thái bão hòa, quá trình ngưng kết xảy ra, hạt mây đủ lớn, trọng lượng những hạt mây thắng được lực dòng thăng, mưa sẽ xảy ra. Trong tầng đối lưu độ ẩm càng cao, hạt nhân ngưng kết (sol khí) càng nhiều, khi đó mưa càng dễ xảy ra.

Ông Quyết cho hay, thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ, hình thế thời tiết tác động, đó là trên cao áp cao Tây Thái Bình Dương khống chế khu vực Nam Trung Bộ, dưới tầng thấp, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh, lấn về phía Đông Nam, làm cho cả khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ đều nằm trong trường phân kỳ.

Quá trình hình thành mây tầng thấp rất kém, bầu trời chủ yếu mây tầng trung hoặc tầng cao, gió chủ đạo gió Tây Bắc, lượng ẩm từ biển cũng không thuận lợi đẩy vào đất liền, do đó thời tiết chủ đạo ban ngày trời nắng, nắng nóng.

"Với những điều kiện nhiệt độ không khí cao, không khí rất khô (độ ẩm không khí thấp), ban ngày chỉ 30-35%, rất xa với điều kiện thuận lợi hình thành mây gây mưa (độ ẩm không khí phải từ 89-90%) thì không thể có mưa"- ông Quyết chia sẻ.